Saturday, May 17, 2014

Paying it forward


Trong những ngày nhìn đâu cũng thấy căng thẳng, đọc đâu cũng thấy lo âu, 3 mẹ con may mắn có được 1 niềm vui nho nhỏ.  Mẹ lại có cớ để chui vô phủi bụi blog viết dông viết dài làm của để dành cho tụi con.

Những ngày dịch sởi đang bùng phát dữ dội, mẹ CH và HH tình cờ đọc 1 bài báo về 'gia đình bé' (tạm gọi là như vậy, theo cách con thường nhắc về trường hợp này).  Lúc đó hoàn cảnh của bé nào dính sởi cũng ngặt nghèo, nhưng câu chuyện của 'gia đình bé' chạm vào 1 nỗi đau từ xa xưa của mẹ CH & HH, những ngày đi từ viện này đến viện khác, uống đủ loại thuôc Bắc Nam để mong được làm Mẹ.  Nghĩ tới người Mẹ đó có thể sẽ lại vuột cơ hội làm Mẹ vừa có được, Mẹ thấy thật đau lòng.  Lúc đó Mẹ đang ở V, gọi về S kể cho CH và HH nghe và rủ 2 con cùng làm 1 cái gì đó cho 'gia đình bé' (Mẹ thường hay rủ 2 con làm chuyện xã hội chung từ chuyện bàn bạc lên kế hoạch đến thực hiện).  HH bảo Mẹ cứ dùng tiền lì xì, CH xin góp 3 SGD tiết kiệm được từ tiền ăn trưa.  Mẹ nhờ sự trợ duyên của 2 cô bạn đồng nghiệp ở xa chuyển tới 'gia đình bé' một phần quà nhỏ nhoi, biết là không giúp được gì nhiều chỉ mong mẹ bé ấm lòng 1 chút trong lúc đau buồn vì 1 mất mát đầu tiên và lo lắng sẽ lại có 1 mất mát nữa.  3 ngày sau, 2 người bạn Mẹ mới liên lạc được với người Mẹ tội nghiệp đó.  Lúc đó Mẹ đã về S.  Một buổi chiều điện thoại Mẹ rung lên với 1 dãy số lạ.  Thông thường, khi roaming Mẹ ít bắt điện thoại có số lạ.  Hôm ấy không hiểu sao Mẹ lại bấm nút trả lời, đầu dây bên kia là 1 giọng nói rụt rè. Mẹ của 'gia đình bé' gọi báo đã nhận quà, cám ơn Mẹ và cho Mẹ biết sơ bộ về tiến triển của bé.  Mẹ ngạc nhiên và xúc động. Phần quà của 3 mẹ con rất nhỏ nhoi và Mẹ biết Mẹ của 'gia đình bé' có nhiều mạnh thường quân khác giúp đỡ tích cực hơn 3 mẹ con mình rất rất nhiều.  Dù chưa gặp mặt, Mẹ thật sự có cảm tình và trân trọng cô ấy vô cùng.  Vài tuần lễ trôi qua, 2 con thường hay hỏi Mẹ về 'bé', lo lắng không biết 'bé' đã khoẻ chưa.  Mẹ không dám gọi lại cho 'gia đình bé' sợ lỡ như điều gì xấu đã xảy ra thì mình vô tình khơi lại nỗi đau cho người ta.  Lần lựa mãi tới thứ 4 vừa rồi, trong lúc lướt FB đọc tin thời sự, tình cờ mẹ nhìn thấy một mẫu tin ngắn, 'bé' đã xuất viện, Mẹ bé bế bé cười rạng rỡ.  Mẹ mừng rơi nước mắt (như đã từng rơi nước mắt khi đọc về hoàn cảnh của gia đình ấy lúc ban đầu).  Mẹ gọi điện thoại báo ngay cho 2 con.  Giọng anh Hai ở đầu dây bên kia cũng reo vang: Mẹ bé đó hết buồn rồi Mẹ, vậy là con cũng giúp được 1 người hả Mẹ? Rồi con chùng giọng xuống: nhưng không biết người ta trả hết nợ chưa, Mẹ có muốn lấy thêm tiền để dành của con không? Mẹ đọc trên mẫu tin ấy là gia đình có nhiều mạnh thường quân giúp nên khi xuất viện đã trang trải được hết mọi nợ nần, mình sẽ để dành tiền ấy giúp cho những trường hợp khác cần thiết hơn.

Mẹ hay rủ con làm việc xã hội và luôn hạn chế dùng chữ 'từ thiện' với con.  Mẹ muốn con hiểu khi con giúp ai đó không phải là con đang 'donate'/ ban bố/ làm ơn.  Khi mình giúp một ai đó là mình đang gieo duyên với họ và đang bỏ ống phước đức cho chính mình.  Lần trước con về nghỉ Noel, Mẹ mất một buổi tối thảo luận với 2 con về vấn đề này.  Mẹ cho con 1 ví dụ, con giúp bạn A và bạn A giúp lại con cái đó gọi là 'pay back', cũng tốt nhưng nó chỉ là mối quan hệ qua lại và khép kín. Con giúp bạn A, bạn A nhờ sự giúp đỡ đó có thể vượt qua 1 khó khăn nào đó và có khả năng giúp tiếp bạn C, cứ thế nhân rộng ra... Có thể con sẽ không thấy bạn A làm gì lại cho con, nhưng khi con khó khăn, sẽ có bạn X, bạn Y, bạn Z nào đó trong chính vòng tròn 'gieo duyên' đó của con chìa tay ra giúp con, như vậy có nhiều người làm điều tốt và được nhận điều tốt hơn.  Ngày xưa khi trao tặng cho bất kỳ ai 1 điều gì dù là kiến thức, vật chất hay 1 cử chỉ quan tâm, Mẹ hay buồn nếu gặp người 'đãng trí' nhận đó rồi quên đó.  Còn bây giờ khi trao tặng Mẹ hay mỉm cười trong lòng và phát nguyện 'mong con mình mai này sẽ gặp người rộng lượng sẻ chia cho con kiến thức, giúp cho con 1 điều gì đó khi con đang khó khăn'.

Mẹ từng may mắn được hỗ trợ học hành suốt 12 năm phổ thông từ 1 người bạn rất thân của Ông Bà Ngoại của HH và CH.  Lớn lên đi làm, 2 người sếp đầu tiên của Mẹ là những người rất tốt bụng.  Họ hướng dẫn cho Mẹ những gì họ biết không hề giấu diếm.  Mẹ gõ máy tính nhanh như hôm nay là nhờ chị sếp đầu tiên mua phần mềm typing cài vào máy để mẹ thực tập, bỏ giờ cơm trưa ra hướng dẫn Mẹ từ cách để tay lên bàn phím thế nào, gõ làm sao cho nhanh.  Anh sếp 'sư phụ' nước ngoài của Mẹ sẵn sàng gạch xanh gạch đỏ nát cả bài báo cáo chỉ cho Mẹ bao nhiêu từ ngữ hay ho mà bây giờ mỗi lần dùng trong bài viết lòng lại thấy ấm áp.  Thật lòng bảo Mẹ đền ơn cho họ Mẹ không biết phải làm gì. Họ không thiếu gì cả.  Và trong cuộc sống ắt hẳn cũng nhiều lần Mẹ làm họ buồn lòng.  Mẹ chọn cách đền ơn không 'pay back' mà là 'pay it forward'. Mình đã từng được hỗ trợ học hành, được hướng dẫn tận tâm thì giờ mình làm lại điều đó với những học sinh khó khăn hoặc với đàn em của mình, với hy vọng họ cũng sẽ nhân rộng thêm sự tận tâm truyền đạt và hướng dẫn đó. 

Trẻ con tiếp thu rất nhanh và đôi khi áp dụng rất buồn cười. Một ngày Mẹ mang về nhà mấy món quần áo đồ chơi bạn Mẹ gửi về cho con từ phương xa. Con hí hửng nhận và reo lên: hay thiệt nha Mẹ, tuần rồi con vừa cho bạn đồ chơi thì tuần này con được tặng đồ chơi. Does it mean 'paying it forward' Mẹ?  Haha. Trẻ con vẫn là trẻ con.  Con vẫn mong nhìn thấy 'instant pay-back' (trao đi và mong nhận lại được ngay). Con còn nhỏ cứ hiểu thế cũng không sao.  Đôi khi như vậy sẽ giúp con có động lực trao tặng hơn.  Lần rồi gia đình đi nghỉ mát ở ĐN.  2 anh em rất thích những khách sạn BM book cho gia đình ở HA và ĐN.  Gần đến ngày về, anh CH ngồi nhâm nhi bữa ăn sáng và buột miệng: con chắc là một người tốt ở previous life (kiếp trước) của con nên bây giờ con lucky quá con được ở 1 nơi đẹp như vậy. Mẹ im lặng nghe con nói tiếp: con phải cố gắng ngoan và tốt nữa để next life (kiếp sau) của con cũng được may mắn nữa.  Mẹ mừng con đã hiểu 1 chút về 'karma'/ nhân quả, dù con còn thực dụng và đơn giản.  Nhưng Mẹ cũng dặn dò rằng 'gieo hành động tốt để nhặt đươc may mắn không có gì sai, nhưng con còn phải nỗ lực học hành và lao động nữa, chỉ mong vào nhân quả thì không đủ'.

Nói về chuyện 'paying forward' Mẹ cũng từng trăn trở khá nhiều.  Việc xã hội thật sự rất nhiều, làm một mình không xuể.  Nhưng rủ rê bạn bè làm chung thì vừa sợ bị hiểu lầm là lợi dụng vừa sợ người ta bảo 'làm chả bao nhiêu mà giả vờ khoe'. Người VN và người phương Tây làm việc XH khác nhau chỗ đó.  Người phuơng Tây thường loa lên cho cả làng biết để gây quĩ làm được nhiều việc rộng lớn.  Người VN gọi nhau làm thì trước sau gì cũng sẽ bị mang tiếng 1/ đánh bóng tên tuổi, 2/ nghi ngờ về tính minh bạch... , nên cứ mạnh ai nấy làm. Có nhiều tấm lòng hướng thiện nhưng việc làm thì nhỏ lẻ và kết quả không đáng kể. Ngày xưa Mẹ cũng vậy, làm được gì thì tự làm một mình.  Sau này Mẹ có cô bạn quen bảo Mẹ: bạn làm gì thì rủ tui làm cùng, cái đó là mình gieo duyên, tạo cơ hội cho nhau làm việc thiện, bạn đừng ngại.  Vài lần rủ rê, có nghe dèm pha, nhưng cũng có rất nhiều người ủng hộ thế là Mẹ vững tin hơn, giờ có gì hay hay là lại rủ nhau.  Người có công, người có của.  Một mình mình không đủ lực làm, đông tay vỗ nên kêu. Có lợi cho nhiều người.  Đây cũng là quan điểm làm việc xã hội của Ba CH.  

Nhờ tư tưởng gieo duyên đó mà Mẹ cũng mạnh dạn hơn trong việc hỗ trợ chị em bạn bè làm việc XH. Trước kia muốn phụ với ai 1 tay lại nghe lời xì xầm, bạn A làm mấy việc này để mua danh, bạn B bày đặt uỷ lạo để tạo uy tín với chính quyền nơi bạn có cơ sở làm ăn vv và vv.  Những người dèm pha đó thật sự chưa bao giờ chung tay làm việc gì cả, họ chỉ bàn ra.  Lúc đầu Mẹ cũng hoang mang.  Rồi Mẹ nghĩ, cô A có mua danh hay cô B có lấy lòng chính quyền gì đi nữa nhưng việc làm của các cô ấy đáng phải được trân trọng vì nhờ có họ mà nhiều con người tuần đó tháng đó có gạo ăn, có thực phẩm dùng, bớt cho họ được chút lo âu nào trong cuộc sống tốt chút đó (và biết đâu bớt được cả tệ nạn, người ta đủ ăn thì đâu còn muốn đi ăn cắp hay lường gạt của ai nữa). Chừng nào các cô ấy quyên tiền mà không làm thì đúng là không chấp nhận được.  Còn đằng này Mẹ tận mắt chứng kiến họ lăn xả không ngại đường xa, không ngại thứ 7 hay chủ nhật, tận tay gói ghém từng món quà, hay đến tận địa phương xây cất cái này cái kia cho dân sử dụng.  Động cơ gì đằng sau không cần biết.  Họ thật sự có làm cho cuộc sống mọi người tốt hơn.  Thế đã tốt hơn khối người ngồi dèm pha mà chưa từng làm gì cả.  

Có lần 2 con nghe BM bàn bạc với nhau về một người quen cần BM giúp hỗ trợ mua 1 vật dụng trong nhà. HH hỏi: người đó không đi làm nên không có tiền hả Mẹ? Mẹ ậm ừ. Con nói tiếp: không đủ tiền sao mua đồ mắc tiền chi Mẹ, chừng nào đủ tiền rồi mua cũng được mà Mẹ?  CH nói thêm: Ba nói với con, nếu không có việc làm thì đi xin việc làm, đi nhiều chỗ sẽ có người nhận, phải tự đi làm mới có tiền mua đồ mình thích.  Mẹ nghe vậy giả bộ hỏi ý kiến 2 đứa là Mẹ có số tiền nhỏ thôi, nên giúp người đó mua món đồ mà thật ra họ cũng chưa cần lắm hay giúp 1 làng nghèo ở quê xa.  Con trả lời: giúp làng nghèo.  Mẹ băn khoăn: nhưng làng nghèo thì mình không quen còn người này là người quen mà con.  CH rất dứt khoát: nhưng người ta không có gạo ăn thì đói sao đi học đi làm được chứ không có đồ xài thì đâu có sao (như con nghỉ chơi Ipad 1 ngày con buồn thôi chứ đâu có bị bịnh, con không được ăn cơm mới bị bịnh, haha, thiệt là biết so sánh ghê).  Thấy vui vui, mình hướng con tới thiện tâm thiện ý và con dạy lại mình cách hành thiện 1 cách có lý trí.  

Nhiều người bảo 3 cái chuyện nhân quả, làm việc xã hội bắt con tham gia, kể cho nó nghe làm gì.  Nó còn nhỏ mà.  Con không bé bỏng như mình nghĩ đâu.  Không bao giờ là quá sớm để hướng dẫn 1 lối sống cho con.  Mà đó, có phải mình hướng dẫn nó đâu, mình học được từ nó bao nhiêu là thứ.

Gõ bài này và nhớ tối hôm qua HH hỏi Mẹ: mình giúp 1 bé đó nhưng mấy đứa bé khác đã hết sởi chưa Mẹ?  VN hết dịch entirely hay vẫn còn chút chút.  Rồi mình có giúp nữa không?  Em thật sự làm Mẹ giật mình. Mẹ vui với 'gia đình bé' mà quên là Mẹ đang hành xử thật cảm tính. Mẹ tìm đến gia đình đó vì 1 sự đồng cảm chứ Mẹ chưa nghĩ xa được như HH là mình phải làm gì để giúp nhiều nhiều bé ít bị sởi hơn hoặc chóng hết sởi hơn?

Bài học 'paying it forward' mẹ con mình còn cùng nhau học dài dài.

Thursday, December 19, 2013

Ông già Noel 8 tuổi của Mẹ...



Bất ngờ từ con trai...

Mẹ gọi điện, anh chàng ríu rít trong điện thoại: ngủ bữa nay ở S là mai con được về VN rồi, con có quà cho Mẹ nè, Mẹ facetime liền đi, quà này đẹp hơn quà hôm qua (quà hôm qua là 1 chú hề được xếp theo nghệ thuật origami rất đẹp, hỏi ảnh cách xếp ảnh bảo cô giáo dạy tiếng Hoa dạy xếp xong là quên liền cách xếp luôn, hehe)

Bắt facetime lên, anh dí vào mặt Mẹ nguyên thành phố 3D bằng giấy do anh cắt dán đựng trong chiếc hộp khăn giấy.  Anh thuyết minh thành phố này 'run by a system', có trường học, công viên, condo, chỗ cấp nước...  Đây là bài nghiệm thu hết học kỳ cho môn POI (Program of Inquiries - một chương trình dạy các con tìm hiểu về cuộc sống và thế giới xung quanh).  Chủ đề của học phần vừa rồi là 'Systems'.  Mẹ thích quá nhưng dặn anh thôi con để lại bên S đừng mang về cực lắm.  Anh phản ứng liền: đâu có được, con cực khổ làm cho Mẹ, lúc cô dạy con con ráng làm thiệt kỹ để làm quà cho Mẹ, sao để lại được, con thử bỏ vô ba lô con rồi, xách bình thường mà, con tự đeo mà, VN airlines có cho xách tay, cái này đâu có gì nguy hiểm đâu.  Mẹ im re không dám hó hé thêm tiếng nào.  Nhìn mặt là biết cương quyết xách về rồi.  

Chưa qua cơn xúc động này, anh nhồi thêm 1 cơn cảm kích khác.  Mẹ chọc: mai đi học chắc là sướng lắm, bữa cuối tha hồ chơi.  Anh nghiêm trọng: không có đâu Mẹ, mai là the busiest day of semester 1 đó, tụi con phải làm nhiều thứ lắm, có 1 bài assessment phải ngồi (dịch từ I have to sit in an assessment, haha, mẹ đoán vậy), rồi phải clean up cabinet, trả sách cho thư viện, chuẩn bị material cho POI của term sau...  Xong anh tự báo cáo: bây giờ Mẹ gọi qua khỏi hỏi con có làm homework hay đàn hay đọc sách chưa nha, bắt đầu từ thứ 2, đi học về là con lo làm rồi, chỉ quên dợt đàn thôi, hôm qua con nhớ rồi.  Con làm xong để không bị cấm coi phim và chơi Ipad (có động cơ hết à, nhưng chí ít biết làm xong nhiệm vụ, vậy cũng mừng).

Dì nanny ngồi kế bên nói thêm vào: tuần này không có gia sư, mà tui cũng không phải nhắc gì hết chị T.  Về tới nhà ăn xế chút là tự ngồi vào học, làm hết bài bỏ vô cặp đem nộp trước thơì gian mấy ngày luôn.  Rồi tự lên đàn, tui đâu biết anh Th dặn cái gì, thấy nó đàn hết trang này qua trang kia, rồi tụt xuống biểu xong rồi.  Sách bây giờ khỏi nhắc đọc luôn.  

Dì ngập ngừng 1 chút rồi nói thêm: có cái này... Nghe 1/2 câu là thót tim, không biết ảnh quậy Dì cái gì, sắp bị mắng vốn cái gì.  Dì cười cười: tui mắc cỡ ghê, bữa nay sinh nhật tui chị T, CH nó coi passport nó nhớ, chiều đi học về nó chúc mừng tui, nó lôi tui ra chỗ cái lịch nó tự làm dán trên tủ lạnh, sinh nhật trong nhà nó ghi đủ hết, có sinh nhật tui nữa, nào giờ hông ai nhớ sinh nhật tui.

Dì cười mà mắt ướt rượt.  Mẹ cũng rưng rưng.

Cám ơn con trai.  Đã có lúc Mẹ hoang mang sợ con lười biếng, sợ con vô tâm, sợ con ích kỷ... Con ngoan hơn Mẹ nghĩ.  Vậy mà Mẹ suốt ngày cứ càu nhàu và áp lực con.

Con đố Mẹ: Mẹ ơi thứ 7 là ngày gì?  Mẹ trả lời: ngày đặc biệt gì đó Mẹ quên rồi, con có wishes gì hả?  Một lần nữa Mẹ bị việt vị, con cười hắc hắc: Ngày bác sĩ mổ Mẹ để đẻ con ra đó, nên bữa đó con tặng quà cho Mẹ là cái 3D city này nè.  Special day của con với Mẹ mà.  

Thiệt là xấu hổ, suốt ngày đi nghĩ xấu con, cứ nghĩ nó nhắc sinh nhật để đòi quà.  Hoá ra hắn chính là ông già Noel mang quà tới cho mình suốt 8 năm nay mà không biết cảm kích.

Monday, December 16, 2013

OFS Holiday Concert

Holiday concert là một chương trình biểu diễn văn nghệ mừng mùa lễ hội cuối năm của trường OFS nơi các con đang theo học.  Đây cũng là 1 event mà các con rất yêu thích và luôn ngóng chờ hàng năm.  Từ cuối tháng 10, các con đã tự lên website của trường xem lịch biểu diễn và dặn dò Mẹ lấy phép để có thể đến dự cùng con.  

Hồi Mẹ còn nhỏ, mỗi khi trường có phong trào văn nghệ thì chỉ có bạn nào có máu ca hát ham biểu diễn lắm mới hào hứng tham gia.  Các bạn còn lại hầu như rất ngại góp mặt trên sân khấu.  Các con bây giờ khác hẳn.  Chẳng biết trường phát động các hoạt động pre-event thế nào mà các con rất hứng thú và dành nhiều tâm huyết cho buổi biểu diễn này.  Tập trên trường chưa đủ, về nhà 2 anh em lại lên website của trường nghe lại bài hát mình sẽ biểu diễn để lẩm nhẩm tập hát lại. Vừa có thông báo về trang phục biểu diễn là 2 anh em tự về lục tủ quần áo kiểm tra xem mình đã có gì và còn thiếu gì để nhờ Mẹ chuẩn bị.

Lớp của em HH khá đơn giản, chỉ là áo thun trắng và váy đồng phục của trường, trang điểm thêm vài sợi kim tuyến (em gọi là tinsel) trên đầu hoặc ở cổ tay hay quanh em tuỳ sở thích từng em.  Có vậy thôi mà Mẹ cũng mất khá nhiều thời gian với em.  Em bảo Mẹ cho em suy nghĩ vài ngày xem chọn màu gì.  Chọn được màu, Mẹ mua xong rồi, cho em coi qua facetime vì lúc đó Mẹ bận việc ở V thì em lại thay đổi.  Mẹ mua luôn 3 màu cho em tự chọn, haha.  Sau đó là em đứng trước gương choàng tinsel vào khắp người để xem thử trang điểm kiểu nào thì đẹp nhất.  2 ngày trước khi lên sân khấu em mới quyết định là đội 1 vòng trên đầu và quấn 2 vòng trên tay (điều đáng nói là 3 vòng đó là 3 màu khác nhau, tận dụng cho hết 3 sợi kim tuyến Mẹ đã mua, haha).
Em 'kim tuyến 3 màu' nè
Anh Hai phức tạp hơn 1 chút.  Cô giáo dặn cả lớp mặc trang phục gì thể hiện tính lễ hội của đất nước mẹ đẻ của mình.  Anh bảo 'lần nào lễ hội gì mà nói tới VN cũng mặc áo dài, mà con trai chỉ có 1 kiểu áo dài, lễ nào cũng áo đó.  Giáng Sinh đâu có cần mặc đồ truyền thống.  Con và 4 best friend sẽ mặc đồ đỏ' (bây lớn mà đã có băng nhóm).  Và anh tự thiết kế trang phục từ tủ quần áo sẵn có của mình.  Quần xanh lá, áo đỏ, nón Noel đỏ và....chói loà nhất là đôi giày thể thao màu xanh dương.  Nhìn anh chẳng khác gì cây thông Noel, haha.  

Nổi bần bật!

Mỗi khối lớp có khoảng 12-14 lớp (20 em học sinh/ lớp), chia thành 2 nhóm nhỏ.  Mỗi nhóm sẽ tập cùng nhau 4 bài hát.  Khi nhóm này lên biểu diễn thì nhóm còn lại ngồi cổ vũ bên dưới sâu khấu.  Chủ đề năm nay của 5 khối cấp 1 là hát các bài hát về lễ hội của tất cả các quốc gia.  Khối 1 của HH (nhưng không phải nhóm của HH) có hát cả bài 'Rước Đèn Tháng 8' của Việt Nam, dịch sang lời Anh).  Buồn cười là các bạn (kể cả HH) đều hát tùng dinh dinh thành tùng đinh đinh.  Dù không được nghe lời Việt nhưng ngồi trong 1 khán phòng đủ mọi màu da nghe các con hát vang bài hát Trung Thu tuổi thơ của mình thật sự rất xúc động (sự xúc động đó rớt cái độp khi về nhà nghe HH hát lời cải biên của Ba Th 'Tết Trung Thu xách quần đi chơi', haha).

Mỗi nhóm khi lên biểu diễn đều có 1-2 thầy cô phụ trách âm nhạc đứng làm nhạc trưởng điều khiển các con hát to hát nhỏ hoặc dừng lại. Các con được dặn dò rất kỹ càng về cả ứng xử trên sân khấu.  Khi màn mở ra, các con thường phấn khích tìm cha mẹ mình bên dưới để vẫy tay chào nên những hình ảnh nhà trường cũng như phụ huynh chụp cho các con thường hay có các vệt màu nhoè do tay các con vẫy.  Những lần biểu diễn gần đây, thầy cô luôn dặn các con trước là màn mở các con hãy đứng im và cười thật tươi để tổ hình ảnh chụp cho các con những tấm hình đẹp post lên website và lưu vào sổ kỷ yếu, sau đó khi tên của từng lớp được xướng lên thì học sinh của lớp đó sẽ vẫy tay chào phụ huynh.  Nghe CH kể Mẹ giả bộ hỏi dò: mình vẫy tay đại được hông con, đâu có sao ha, thầy đâu có la ha.  Con nhìn Mẹ: trời, Mẹ không sensible gì hết, mình làm xấu hình mình, chưa nói là làm xấu hình của bạn nữa đó, lên website xấu òm sao.  Mẹ công nhận là thầy cô của tụi con rất hay, đánh vào đúng quyền lợi của tụi con nên bạn nào cũng trách nhiệm răm rắp.  Các tấm hình mở màn nguyên đội hình vì vậy rất đẹp, không vướng bất cứ vệt màu nhoè nào mà các bạn vẫn cười rất tươi.  Thầy vừa xướng tên lớp lên để chào phụ huynh 1 cái là tụi con mới bắt đầu nhoi lên vẫy tay lia lịa.

Trước ngày biểu diễn, cô giáo chủ nhiệm từng lớp gửi thư về cho phụ huynh hướng dẫn rõ là lớp của mình sẽ đứng ở góc nào và hàng nào trên sân khấu, để phụ huynh khi vào chọn được chỗ ngồi thuận tiện chụp hình cho con và không chạy tới chạy lui làm phiền khan phòng thưởng thức nhạc.

Nhóm của HH xếp đội hình rất đẹp, 3 hàng trắng xanh đỏ.  Con lùn nhất nhóm nên được cho đứng ở góc trái hàng đầu (riêng HH vì nhỏ quá, cô giáo gửi thư chỉ luôn cho Mẹ chỗ đứng riêng của con chứ không phải là của cả lớp, haha).  
Không khí lễ hội ngập tràn!
Nhóm 1 trên sân khấu và nhóm 2 dưới sân khấu đang hướng về phụ huynh, 
hát bài đồng ca của trường: 
OFS school song, 1 nghi thức bắt buộc của tất cả các event.

Trong lúc chờ nhạc intro thì em tranh thủ chu môi gãi đầu


Nhạc lên thì em hát rất sung


Em múa nữa nè

Trên sân khấu nhìn em cũng nghệ thuật lắm.  Rời sân khấu em hiện nguyên hình là 'drama queen'.  Em chê cái tinsel có mùi kỳ kỳ (chắc là mùi giấy hay mùi màu nhuộm gì đó).  Xuống sân trường là em lột ngay vòng kim tuyến trên đầu xuống và vừa đi vừa bịt mũi thế này. Đứng cách xa em cả mấy thước nhìn vẫn rất buồn cười.  
Haha.  Nhìn em thiệt là...lố!


Tiếp tục bịt mũi khi chuẩn bị chụp hình cả lớp
Em nhỏ bé và tươi tắn giữa bạn bè cùng lớp sau giờ biểu diễn, trông thật là đáng yêu!





Khối 3 của anh Hai lớn rồi nên có vẻ được tự do phóng khoáng hơn, mỗi bạn mặc một màu và một kiểu khác nhau, không bó buộc, không xếp đội hình gì cả, ai nhỏ đứng trước, ai cao đứng sau thế thôi.  Anh Hai thích biểu diễn (gien mà) và rất nghiêm túc thực hiện các động tác được yêu cầu, không nhí nhố nhưng em HH.

Buồn cười, đứng bên phải anh Hai là 1 bạn trai người nước nào không rõ, bạn khóc sụt sùi nức nở từ khi lên sân khấu đến khi hạ màn.  Ai hát thì hát, múa thì múa, bạn cứ khóc, khóc rồi nín, nín xong lại khóc, suốt 10' trình diễn.  Ở VN thì các cô sẽ mời bạn xuống ngay vì làm xấu đội hình, có khả năng làm mất điểm thi đua.  Ở đây, bạn cứ đứng khóc thoải mái miễn đừng làm phiền người bên cạnh biểu diễn.  Người lớn ngồi bên dưới tưởng đâu bạn không thấy Ba Mẹ bên dưới khán giả nên khóc.  Hoá ra theo thông tấn xã Cá Heo tường thuật lại thì bạn làm rách cái nón đạo cụ và ấm ức khóc từ khi ngồi làm khán giả nghe nhóm 1 hát.


Trên sân khấu này có sơ sơ đâu chừng 120 em thôi (1/2 khối 3).
Em nào cũng chọn màu đỏ nên sâu khấu nhìn 'hot' ghê.



Anh chờ nhạc intro rất nghiêm túc không nhí nhố như em HH.



Diễn xuất thiệt là nhập vai



Lúc này anh đã nhìn thấy Mẹ nên vừa hát vừa winking với Mẹ.




Các bạn hát rất passionate còn bạn trai áo 'red cross' cạnh CH thì khóc sụt sùi, hihi.


Mẹ không chụp được nhiều hình class photo cho CH sau giờ biểu diễn vì ngay sau đó các con có giờ học Chinese.  Năn nỉ CH đứng lại chụp 1 tấm nữa thôi mà con lắc đầu nguầy nguậy 'tới giờ học Chinese rồi Mẹ, con phải lên lớp home base lấy tập rồi chạy xuống lớp tiếng Hoa, trễ giờ không được.'  Vui xuân không quên nhiệm vụ, vậy là tốt nên thôi Mẹ không dám nài nỉ thêm.


Ông già Noel đội cái nón lông bị nóng, mặt quạu đeo, haha












Friday, November 8, 2013

Gia Han's field trip to Bollywood Veggie - Singapore




Source: www.bollywoodveggies.com


Singapore là một đảo quốc nhỏ bé nhưng không thiếu nơi và các trò để vui chơi giải trí từ trượt băng/ trượt tuyết trong nhà đến đua ngựa, lướt ván thậm chí là học lái máy bay cá nhân tiêu khiển.  Cần 1 chút thiên nhiên đất nước này có đủ các thể loại đảo cách bờ chừng 30-60 phút đi phà/ tàu (dù không thể nào sánh về độ rộng hoặc bờ biển đẹp với Côn Đảo hoặc Phú Quốc của VN) hoặc các công viên xanh mát được tạo hình và qui hoạch rất chuẩn.  Thậm chí, dù hàng ngày vẫn nhập nông sản rần rần từ Malaysia về để tiêu thụ, xứ này vẫn có 1 khu vực ngoại ô Kranji với những nông trại be bé xinh xinh để cho có vẻ nông nghiệp và vui thú điền viên với người ta.

Lúc mới qua S được công ty của chồng phát cho 1 mớ sách các thể loại về đảo quốc này, trong đó có 1 cuốn về những điểm tham quan thú vị ở S.  Cả nhà tuần nào cũng mở ra, chọn và đi gần hết chỉ chừa đúng khoảng nông trại vì nghĩ 'VN mình có thừa', đi làm gì.  Rút cuộc, trong nhà có bạn CH là người đầu tiên đi nông trại Singapore hồi học lớp 2. Bạn về kể lại là được xuống bùn trồng lúa, được ăn bánh chuối nướng tại chỗ, được thấy cây đu đủ, cây mướp.  Nghe xong cũng giật mình, ừ nhỉ, bảo là VN mình đầy nhưng mình có rảnh để dẫn mấy bạn ấy đi đâu.  Thành ra, cây đu đủ, cây ổi, cây lúa ngập tràn ở VN mà bạn lại được học hỏi về nó ở 1 đất nước hiện đại không có chút tiếng tăm về nông nghiệp, haha.  Bạn khoe đủ thứ về nông trại này làm mình cũng tò mò, nhưng thấy đường đi 45' (ở S thế là xa) kèm theo việc phải đổi mấy chặng MRT rồi từ MRT lại phải ngồi bus thêm đoạn nữa, đâm ra lười.  Rảnh rảnh thì cứ kéo nhau ra đảo hay ra công viên cho tiện mà lại cảm giác 'khác lạ' hơn.

3 tuần trước tới phiên em HH về hí hửng khoe là con sắp đi Bollywood Veggies Farm.  Anh Hai rú lên 'chỗ đó anh đi rồi đó, trời ơi, banana cake ngon lắm Hân ơi, H chuẩn bị tinh thần xuống bùn cấy lúa nha', rồi 2 anh em nói ngồi tí tởn kể nhau nghe.  Mẹ cũng nôn nôn muốn đi mà lịch làm việc thì cứ thay đổi mỗi ngày chả biết lúc nào ở V lúc nào ở S nên không dám đăng ký volunteer.  Thời may, 3 ngày trước khi HH đi, khách hàng 'vui tính' đổi ngày làm dự án, Mẹ bỗng dưng rảnh, thế là email cho Cô chủ nhiệm xin đi theo, Cô bảo 'có 1 bà mẹ vừa cancel không volunteer nữa, mẹ HH đăng ký đi thay nhé, cô mừng quá vì đang dư ra 4 em không ai quản'. Thế là Mẹ có 1 suất đi ruộng ké với lớp con gái.
Bảng chỉ đường trong nông trại

Bollywood Veggies nằm cách trung tâm Singapore khoảng chừng 25 km về phía nam, gần eo biển Johor.  Đi bus mất khoảng 45'.  Xe chạy chừng 20' ra khỏi khu vực Tanglin là đã thấy đồi và rừng cây xanh mướt, nhà cửa ít hẳn lại.  Chỉ ở khu vực Kranji này mới nhìn thấy nghĩa trang và các ngôi mộ san sát nhau, qui hoạch rất đẹp.  Các em bé lớp 1 như HH í ới chỉ nhau: nhà của người chết kìa :).

Bollywood Veggies được 1 cặp vợ chồng người Singapore thành lập từ năm 2000, để làm nơi an cư lúc về hưu (dù lúc đó họ chỉ mới trên dưới 50 tuổi :)).  Nông trại 4,000 hecta này có trồng các loại rau và cây ăn quả 'organic' không sử dụng thuốc trừ sâu và tăng trưởng.  Tuy nhiên, hoạt động chính của nông trại là du lịch sinh thái bao gồm tham quan vườn rau/ cây ăn quả, hồ cá, các đầm lầy có đủ hệ động vật nhiệt đới như cóc, ếch, nhái... và kinh doanh nhà hàng organic.  Phần lớn khách tham quan là các trường học đủ các cấp và các gia đình expats từ những đất nước ngoài Châu Á.  Nhân viên của nông trại ngoài các chuyên gia về nông nghiệp đóng vai trò hướng dẫn viên thì 1 số không nhỏ các bạn phục vụ ở khâu soát vé hay mời bánh/ nước là các thanh niên tàn tật.  Đây cũng là 1 tiêu chí hoạt động của nông trang, hỗ trợ cộng đồng.


'Khi nghĩ về 1 đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây...'

Các bạn nhỏ lớp HH đến từ nhiều nước trên thế giới, đa số là dân thành thị, lần đầu ra nông trang ai cũng mắt tròn mắt dẹt.  Bạn HH là đỡ ngáo nhất vì cũng đã vài lần được BM dẫn về chùa của Bà Cô ở Tiền Giang xem cây bưởi, cây ổi..., cũng biết mương rạch ra sao.  Các bạn Tây thì thôi cái gì cũng ngạc nhiên.  Nghe các bạn trả lời các câu hỏi của chú hướng dẫn viên vui tính và thông thái mà 4 bà mẹ đi theo volunteer cười vỡ các ruột (trong đó có 2 mẹ Tây cũng không biết mấy về cây trái nhiệt đới).
Kéo nhau đi sờ cây chuối
Sờ được rồi!

Chụp hình với 'bù nhìn'
Chú Hedrick biệt danh là 'The Dream Gardener', 1 người HDV vô cùng duyên dáng.
Chú là thợ làm vườn nổi tiếng đạt rất nhiều giải thưởng về thiết kế cảnh quan
và sắp xếp vườn tược ở Singapore

Giàn cây/ dây leo này thiệt là dễ thương.

Nghich cây mắc cỡ.  HH thích cây này từ VN lận.  Thấy đâu là đụng đó.
Một vài đối đáp khó đỡ của các bạn:

Chú (chỉ lớp vỏ bên ngoài của thân cây chuối): đố các con cái này là gì của cây chuối
Lớp: Da (skin, cũng đúng), vỏ cây (bark - chú bảo là không đúng vì cây mềm - plant - không có vỏ như cây thân gỗ - tree), áo (haha, cái này quá sáng tạo)
Chú: chú bốc lớp da ngoài ra cho các con coi nhé (thò tay bốc)
Lớp: oh no, does that hurt? Poor the banana tree!
1 bạn: You shouldn't do that, it's cruel, you make it hurt!
(Trẻ con gật gù đồng ý với bạn ấy còn người lớn thì cười rần rần)

Chú: (chỉ trái mướp): cái gì đây mấy con?
Lớp: green bean (haha, trái đậu gì mà dài dữ thần vậy trời?)

Chú (hái lá rau lang): mấy con ăn thử đi
Lớp (1 bầy heo vàng - sinh 2007 hết mà - nhào vào bứt lá bỏ vô miệng nhai và phun phì phì): why you make us guinea pigs (haha)
HH (duy nhất 1 mình HH là không nếm thử lá): only my brother eat raw veggies and salad, I prefer cooked veggie (cái này vô cùng chính xác, anh Hai là đạo rau sống VN và salad, mê mẩn trong khi HH chỉ thích rau nấu canh)

Chú (chỉ trái chanh dây còn hơi xanh xanh): trái gì đây?
Lớp (có cả 1 bà mẹ Nhật): apple
1 bạn trai Ấn Độ: I like apple juice
Chỉ có cô giáo và mẹ HH nói trúng là trái chanh dây

Chú (chỉ trái nhàu): ah hah, cái này chắc không ai biết đâu.  Ai đoán được dùm chú không?
Lớp: ghê quá :D, trái gì xấu quá!
HH: trái nhàu (bằng tiếng Việt vì ẻm chả biết tiếng Anh là gì), my grandma drink its water to cure her sickness, I don't remember what sickness she has.  They grow lots of this on Tanglin
Lớp, các mẹ, Cô và chú:!!!! hết hồn vì ẻm tự dưng thông thái quá, biết cả đường nào trồng.  Chỉ có mẹ ẻm đứng cười mím chi, 2 ngày trước, Ba ẻm mới dẫn lên Tanglin chơi dọc đường rớt đầy trái nhàu, Ba chỉ, Mẹ giải thích là bà Nội nấu nước uống chữa bệnh tiểu đường.  Trường hợp thông thái ngang hông này của ẻm đúng nghĩa 'đi 1 ngày đàng học 1 sàng khôn'.

Các con thích mê khi được chui vào những giàn cây leo trồng mướp, trồng khổ qua, trồng đậu..., được rờ lá chuối mát lạnh, được chỉ cho phân biệt cây đu đủ đực và cái (chú bảo cây nào có trái là cái, các con gật gù 'đúng rồi, chỉ con gái mới có bầu' - các bà mẹ ngó lơ đi chỗ khác dòm nhau nín cười).

Chú chỉ các bạn cách ngâm giống, gieo mạ và chờ ngày lúa chín.  Nông trại chừa sẵn 1 khoảng ruộng bé bé (chắc chừng 3-4 m2), xâm xắp bùn để các con tập cấy mạ.  Đầu tiên các con sợ quíu cả chân lại, đùn đẩy nhau, nhưng sau đó thì ùn ùn kéo nhau xuống giẫm nát khúc ruộng.  Riêng bạn HH và khoảng 5 bạn trai (không có gái nhé) khác là tụt giày tụt vớ sẵn sàng rồi...bỏ trốn, dứt khoát không chịu làm nông dân.  Năn nỉ không được thôi các bà mẹ và cô giáo cũng giả lơ không ép.
'Đây là những bước người nông dân phải làm để các con có cơm ăn hàng ngày...'
Rất thích cách chú mở đề bài giảng!

Chân trần...nhưng không lội ruộng :)
Bạn E. thật giỏi, bạn là người đầu tiên xung phong xuống cắm mạ
Rũ sạch bùn xong, người nông dân phụ nhau mang giày.  Đáng yêu quá!

Đi ruộng về giữa trưa nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, các nông-dân-thành-thị nhí được các chú mời uống cacao đá và ăn bánh bông lan chuối làm tại vườn (xưa giờ mẹ HH chưa bao giờ ăn bánh chuối nào ngon như vậy).  Bạn nào cũng có mang lunch từ nhà theo vậy mà vẫn tranh thủ ních mỗi bạn thêm 2-3 ly cacao và 1 miếng bánh chuối.
Cho con xin cacao với!
Đi ruộng về đói quá, ăn bậy vài miếng cho qua buổi trưa cái nào!

Chính ngọ, nắng lên đỉnh đầu.  Các nông dân nhí lục tục ra xe về trường làm người thành thị tiếp.  Bạn nào lên xe cũng tranh thủ khoe là mình thấy cái gì, sờ được cái gì.  Riêng bạn HH, người duy nhất có mang sổ tay bút viết theo ghi chép (bạn giấu trong balo khi nào Mẹ và Cô cũng không biết) khoe với các bạn 1 loạt những tên cây trái mà bạn ghi được.  Bạn đặc biệt nhấn mạnh, có gạch chân hẳn hoi, chữ noni (trái nhàu) vì bạn quyết tâm về khoe với Ba là đã biết trái đó tiếng Anh là gì.  Kể từ chuyến đi này bạn được cô giáo chủ nhiệm McLinden đặt tên mới là 'professor Gia Han' (nói tên mới là vì hiện nay trong lớp cô gọi bạn là Paulie - 1 nàng vẹt lém lỉnh trong bộ phim Polly Parrot thì phải).
Đứng viết...
Ngồi viết...


Đi viết....

Lang thang bên rào...cũng viết... :D

Về nhà, anh Hai hỏi ngay: có đi trồng lúa không?  Em HH nhún vai lắc đầu: ghê quá, HH không dám xuống. Anh Hai gàn 'vậy mà cũng sợ, anh còn đứng dẫm dẫm ở đó'.  Bài học Mẹ rút ra từ vụ này: khi chúng nó đi 1 mình không có BM cạnh bên chúng nó gan dạ (thậm chí liều) vô cùng vì đu theo chúng bạn.  Sáng hôm đó không có Mẹ đi theo thì nàng kia dám cũng đã phi xuống bùn dẫm đạp với bạn bè rồi.  

Mẹ rất thích các chương trình field trip của trường 2 anh em.  Tuỳ vào chủ đề của từng học phần mà các bạn sẽ được đi tham quan 1 nơi phù hợp.  Chủ đề của học phần này là 'mọi thứ quanh ta cần thiết thế nào cho ta?'.  Các bạn học về vai trò của thiên nhiên từ nước đến cây xanh đến sông hồ đại dương với đời sống con người.  Khối 1 đi nông trại và khối 3 của CH đi tham quan Marina Barrage, 1 đập nước lớn ở Singapore được xây dựng để ngăn chặn nước mặn xâm nhập, bảo quản nguồn nước ngọt và cũng để ngăn lũ lụt.  Bạn CH đi về kể bao nhiêu là chuyện. Bạn quá ấn tượng với đập nước nên cứ xin Mẹ dẫn quay lại để bạn chỉ lại cho Mẹ người ta chận nước biển lại như thế nào.  Bài học thực tế bên ngoài xem ra tác động đến con nhiều hơn hẳn những gì con học 'trên ghế nhà trường' :D.

Monday, June 17, 2013

Happy Father Day!

Không hẹn mà 3 mẹ con cùng lục tục viết cho Father Day từ trước đó 1 tuần. Độc giả của CH và HH là Ba, còn đối tượng người đọc của Mẹ là 2 bạn nhỏ.

HH viết cho Ba từ rất sớm.  Ở nhà tự tỉ mẩn viết một mình, chẳng cần Mẹ dặn dò gì cả.  Con gái cẩn thận viết nháp trước đưa cho Mẹ xem, nhờ Mẹ chỉnh dấu chấm, dấu phẩy, chữ viết hoa và chỉ con viết 1 số từ khó.  Sau đó con chép lại (của đáng tội, lần sau cũng đầy lỗi chấm phẩy và chữ còn xấu hơn lần đầu, nhưng Mẹ vẫn thích và Ba vẫn vui).  Bài viết của con còn có cả hình minh họa, 2 cha con nắm tay nhau đi chơi. Viết chúc mừng Ba mà còn tranh thủ kể lể con bị nuốt cục chewing gum vô bụng làm Ba nhận được hình Mẹ bắn qua viber phải vội vàng nhắn tin hỏi thăm.



CH dặn Mẹ mua dùm cái thiệp Father Day cho Ba.  Mẹ hứa cuối tuần 3 mẹ con sẽ cùng ngồi làm thiệp cho Ba.  Chưa kịp làm gì thì chiều thứ 6 đi làm về con đưa cho Mẹ 1 trang tập con viết cho Ba.  Con nói rõ con không bắt chước Hân nhưng con thích viết thư thế này hơn là thiệp vì như vậy con mới nói hết được suy nghĩ của con (ghê hông?).  Trùng hợp là hôm đó Mẹ cũng cho con đọc note Mẹ viết trên điện thoại cho 2 anh em về tình cha con.  Thật ra, Mẹ và CH viết 2 notes này xuất phát từ một buổi tranh luận nho nhỏ của 2 mẹ con trước đó là Mẹ thương con hơn hay Ba thương con hơn.  CH khăng khăng là Ba khó quá, hay la quá, Ba không nhẹ nhàng thương yêu như Mẹ, Ba ít cho coi TV, ít cho chơi Ipad...  Mẹ giải thích, thấy con ngồi im, nghĩ là con không hiểu nên viết cho con 1 bài dài để dạy con.  Dè đâu, ở nhà anh chàng tự ngồi suy ngẫm và viết ra suy nghĩ của mình.

Đúng là con trai nghĩ gì viết đó, trước khi khen ngợi phải phê bình một câu 'I know you are mean...', hix.  Mẹ hỏi sao viết vậy.  Con nói con đâu có chê Ba con chỉ nói thật thôi mà, Ba hay rầy con, hay phê bình con, nhưng con hiểu là Ba làm vậy vì sợ con hư.  Con đâu có giận nhưng rõ ràng là Ba có dữ với con mà.  Mẹ gửi cho Ba mà sợ Ba buồn ghê, vậy mà Ba reply cho Mẹ 1 tràng haha sảng khoái.  Chắc chỉ có đàn ông mới hiểu đàn ông :D. Thương nhất câu viết trẻ-con-mà-rất-già của con 'our love of this family will never break to pieces'. 

Mẹ viết cho con trên chuyến bay từ HN về HCMC. Mẹ viết khá nhiều, giải thích cho con cách Ba và Mẹ thương yêu tụi con khác nhau như thế nào.  Con nằm đọc chăm chú và nước mắt chảy ràn rụa.  Mẹ hỏi sao khóc, con trai cười mắc cỡ khi mắt còn ướt: vậy mà con cứ complain Ba Mẹ hoài, con còn có khi nói lớn tiếng với Mẹ nữa.  Nhưng mà con hiểu trước khi đọc note của Mẹ là Ba khó để Ba dạy con mà.

Mẹ trích ra một đoạn nhỏ vào đây để giữ làm kỷ niệm cho tụi con nhé:

'...
Dad didn't bear you in his tummy like mommy because he bore you in his heart.  Mommy will never forget his loving eyes when seeing me off at the gate of the operation room before I gave birth to you both.  I can't forgot either his dancing eyes when filming Ca Heo sucking your first milk bottle.  I would remember till death his worried eyes when seeing Han fighting for breath in hospital when you was just some days old.  Dad never said he loved you in words because his love is too big to speak out loud and he decided to keep it in heart.  Next time when you are with daddy, don't listen just to how he nags you, look into his eyes, you will find love there.  You know that he doesn't love sushi or lasagna or spaghetti. Why does he take you to those restaurants on weekends anytime that he can?  If it's not because of love, so what's it?
....
Everytime you are upset that daddy is angry with you, remind yourselves of moments when he comes home from work with tired face, nights that he stayed up late to finish his works...  He exhausts himself for all of the convenience you are enjoying and a bright future that you are approaching.  In stead of complaining, ask yourself waht you've done for him in return to show your appreciation.
....
Love is not only about how many toys we buy for you or how many hours we allow you to watch TV or to play with our Ipad/ Iphone, or how many trips we bring you along with us. It's about the acceptance of all the good and bad things you bring to us since your arrival in our life...'

Tụi con không dành những lời chúc tụng thông thường cho Ba nhân ngày Father Day. Tụi con cho Ba Mẹ dịp hiểu hơn tình cảm và mong đợi của các con với Ba (Mẹ).  Một ngày Father Day 'rất hợp với dáng Ba', hehe.  Chúc tụng quà cáp sến súa chắc là Ba không thích bằng :).

Monday, May 27, 2013

Bánh sinh nhật

Hôm qua cả nhà tổ chức sinh nhật sớm cho Mẹ, vì hôm nay Mẹ phải về VN làm dự án.  Ăn uống xong xuôi, anh 2 dòm quanh thấy em bé bàn bên cạnh tổ chức sinh nhật 3 tuổi có bánh kem rất hoành tráng, anh thắc mắc là sao Mẹ không có bánh kem. Trong lúc Mẹ giải thích với anh là Mẹ già rồi thổi đèn cầy mỏi miệng lắm nên Mẹ không cần bánh kem :) thì em Hân nhanh nhảu rời chỗ ngồi tới nằm ngả ngớn vào lòng Mẹ chìa mặt ra, chỉ tay vào má mình: nè, cake của Mẹ nè.  Mẹ bất ngờ chưa kịp phản ứng, em chỉ tay vào mũi mình nói tiếp: đèn cầy nè Mẹ, Mẹ thổi đi, Mẹ make a wish đi.  Mẹ thổi phù phù vào mũi, em cười khanh khách nhắc khéo: Mẹ nhớ wish là mình happy together forever nha Mẹ.

Mẹ chưa bao giờ nhận được món quà sinh nhật nào bất ngờ và dễ thương như thế này trong đời mình.  Cái bánh sinh nhật không kem tươi, không bông hồng mà sao Mẹ thấy thơm và đẹp quá chừng.  Mẹ gặm gặm hít hít cái bánh mỗi ngày mà không biết chán.

Mẹ yêu con lắm con gái.  Mẹ yêu con vì con có những cách thể hiện tình cảm rất là...HH. Mẹ đi xa về con là người chào đón Mẹ với những cái ôm chặt nhất trong nhà.  Mẹ chuẩn bị đi công tác, con cũng là người ôm Mẹ lâu nhất, hun Mẹ dài nhất. Mẹ về, con luôn thể hiện ra mặt niềm sung sướng lớn nhất là được ngủ với Mẹ, được chơi với Mẹ và không quan tâm đến bất kỳ cái gì khác (trong khi anh Hai sau phút mừng Mẹ luôn 'tặng' Mẹ câu hỏi: Mẹ có quà gì bí mật cho con hông, haha). 

Mẹ yêu chiếc bánh sinh nhật thơm tho biết cười ngọt ngào và biết nói lời yêu thương của Mẹ. Yêu lắm đó!

Thursday, May 9, 2013

Lần đầu tiên anh Hai làm chủ xị...

Qua tới S 2 anh em làm quen 1 khái niệm mới là playdate - hẹn bạn tới nhà chơi. Lúc ở VN cũng có nghe nhắc tới nhưng không nhiều. Sang đây thì đi đâu cũng nghe playdate.

Khổ, hồi Mẹ còn nhỏ, cần gì phải có playdate.  Sáng đi học, chiều tan trường đều đi bộ chung với bạn, chơi với nhau đã đời. Chiều tối, cơm nước, học bài xong, con một được giữ kỹ như Mẹ mà còn được Ông Bà Ngoại cho ra sân chơi với hàng xóm, chạy rần rần mệt rồi về. Phụ huynh chả bao giờ phải hẹn hò nhau 'hôm nào cho tụi nhỏ playdate nhé'.

Qua xứ lạ, bạn hàng xóm không có, bạn gia đình càng không.  Ba Mẹ còn vất vả kết bạn mới thì huống hồ gì con.  Con chỉ có nguồn bạn duy nhất là bạn trong trường.  Mỗi ngày đi học có 30' chơi với nhau giờ ra chơi, không có đã.  Bạn nào cũng là dân tứ xứ tới nên cũng như nhà mình các bạn cũng thèm có người chơi.  Phụ huynh cũng thèm cho con mình có bạn chơi thế là vụ playdate thành mốt ở xứ S. Vài ngày Mẹ lại nhận mail của phụ huynh trong lớp xin cho con tới nhà playdate.  Có hôm đi học về trong cặp có cái post card thật đẹp, Mẹ của một bạn trên xe bus gửi đại trà cho bạn cùng xe mời playdate để bạn đó được thực hành nói tiếng Anh do gia đình vừa từ Nhật qua, tiếng Anh của bạn chưa giỏi.  Hoàn cảnh nhà mình hơi lạ, Mẹ không ở S thường xuyên.  Ba thì đi làm và lo cho tụi con là bở hơi tai rồi đâu có thời gian đưa đón vụ playdate.  2 đứa thèm playdate lắm nhưng chưa bao giờ được đi playdate, trừ tiệc sinh nhật hoặc sang nhà cô Nguyện bạn Mẹ chơi với Minh Minh và em Tí.

Thấy 2 con mê được playdate quá, Mẹ hứa sẽ cho con rủ bạn tới nhà chơi trong tháng 4 hoặc tháng 5 để thưởng cho term 1 học tốt.  Tháng 4 có nhiều ngày lễ ở VN, Mẹ ở S được lâu để sắp xếp cho 2 anh em.  Em HH còn nhỏ, phụ huynh mẫu giáo ngại cho bé tới nhà chơi một mình.  Có playdate thì phải có phụ huynh theo.  Mẹ lại ngại thù tiếp nhiều phụ huynh từ nhiều văn hóa khác nhau tại nhà mình.  Bàn tới lui em HH bảo là con chơi với bạn anh Hai là được rồi.  Thế là anh Hai trở thành host của lần playdate này.

Thường thì playdate chỉ giữa 1-2 bạn với nhau thôi.  Anh Hai mắc nợ playdate với nhiều bạn quá thế là anh đưa cho Mẹ danh sách 6 bạn.  Gửi mail tới lui có 4 bạn confirm, trong đó có 1 bạn là hàng xóm.  Ta nói anh nôn nao y như nhà có tiệc. Lịch hẹn phải gửi cho phụ huynh khoảng 2 tuần để mọi người thu xếp. Thế là weekends nào anh cũng xuống thùng thư lấy thư với Ba chỉ để lượm mấy tờ quảng cáo thức ăn nhanh đem lên nhà chọn xem nên order pizza hay hamburger đãi bạn.  Vài hôm anh lại thỏ thẻ: mình mua quà gì tặng bạn?  Ảnh làm như sinh nhật vậy đó, có quà tặng ra về nữa.  Mẹ phải giải thích cặn kẽ thì anh mới thôi.  1 ngày trước playdate anh dặn HH: anh cho HH xuống hồ bơi với anh và bạn nhưng H hứa đừng bám anh, anh phải tiếp bạn anh đó.  Haha. 

Sáng thứ 7, anh dậy thiệt sớm, đi dọn dẹp nhà cửa (chuyện lạ có thiệt).  15' một lần anh hỏi: sao nãy giờ chưa tới 11g hoặc mẹ order pizza chưa?  10.30 anh nghe Ba bắt điện thoại đặt pizza và Pepsi anh thở ra nhẹ nhõm: con sợ mấy bạn tới không có gì ăn ghê.  11g bạn Sunwoong xuất hiện, vừa lên nhà là vội vàng lôi nhau vô nhà tắm thay đồ bơi.  Bạn í rất cẩn thận nhắc CH: bạn nói em gái bạn ở ngoài đừng có vô nhìn mình không mặc đồ nha (nguyên văn don't let her see me naked, haha).  11g15, Mẹ bạn Hải Đăng gọi điện bảo là HĐ hư quá không nghe lời nên phạt không cho đi playdate.  Bên đầu dây bên kia bạn HĐ khóc rưng rức, đầu dây bên này bạn CH và Sunwoong ngồi buồn xo.  Cuối cùng, thương 2 bạn quá, Mẹ bạn HĐ nhượng bộ.  11.30, Sunwoong, CH và HH quậy nát cái hồ bơi khu nhà Newton One. Em HH thường có đeo phao cũng chỉ bám bờ bơi ốc.  Hôm nay mê các anh quá, em đạp chân ra tới giữa hồ, cười nắc nẻ.  11.45 HĐ tới, 3 đứa nắm tay nhau thi nhảy xuống hồ bơi ồn như cái chợ.  CH chốc chốc lại ngóng bạn Keiran, best friend, đã hứa tới mà không thấy đâu. Bạn Jin-yu, bạn gái duy nhất cũng là hàng xóm, cũng tới trễ vì bận đi học tiếng Hàn  12.30 lùa mãi các bạn mới chịu lên bờ để ăn pizza.

1.30 2 bạn còn lại mới xuất hiện.  Bạn Sunwoong tới sớm nhất cũng ra về sớm nhất, rồi tới HĐ.  Keiran ở tận tới 3g về mà còn luyến tiếc khều khều Mẹ xin: cô nói Mẹ con hôm nào cho con và bạn Minh Trí sleep over nha Cô.  Bạn Jin-Yu ỷ thế hàng xóm ở gần, nằm rù rì mãi với em HH tới 4g, Mẹ phải bắt về vì sợ Mẹ bạn ấy chờ mới chịu về.

Anh CH rất lịch sự. Sau khi tiễn Jin-Yu tới thang máy nhà bạn ấy, anh quay sang 'cám ơn Mẹ mời các bạn tới nhà chơi với con'.  Chiều hôm đó, anh thỏ thẻ với Ba: cám ơn Ba mua pizza cho con đãi bạn con. Anh nói với HH: anh sẽ ráng ngoan để Mẹ cho anh mời bạn playdate nữa, bạn tới nhà vui quá.  Em HH thì đặt hàng: con lên lớp 1 Mẹ cho con mời bạn đến nhà playdate nha.  Tụi con ăn kẹo, chip và uống nước yến thôi, Mẹ khỏi mua pizza.  Èo, đãi bạn bằng nước yến (Brand's) thiệt là quá sang cô Ba à.  Các bạn của CH rất ngoan và lịch sự.  Thưa gửi, chào hỏi và cám ơn rất đúng phép.  Các bạn ăn uống gọn gàng, ăn xong tự dọn.  Quan trọng là không có Ba Mẹ ở cạnh bên nhưng các bạn rất dạn dĩ mà vẫn nghe lời, dễ bảo.  Mẹ hài lòng thấy CH chơi với những bạn ngoan như vậy.  Không ngại cho con tiếp bạn lần sau, mặc dù hơi mệt vì phải tới lui dọc theo bờ hồ bơi ngó chừng tụi con (của đáng tội, đứa nào cũng bơi giỏi hơn Mẹ).



Bạn Sunwoong.  2 bạn này nhìn giống nhau như 2 anh em í.
Cũng da trắng, mặt tròn, mắt 1 mí.

Nịnh lắm mới chịu chụp với em 1 tấm hình. 
Cứ sợ bạn cười là bị em đeo bám.  Không hiểu nỗi.


3 bạn chuẩn bị thi nhảy xuống hồ đây

Mới đếm 1, 2..., chưa kịp 3 thì bạn HĐ đã nhanh nhảu nhảy xuống trước.  Haha..
Nhảy lại này...



Đổi vị trí chuẩn bị nhảy tiếp


Ùm....
Nhảy mệt rồi thì thả nổi thư giãn...

...và bơi. 
Em HH đoạn này đã vượt lên chính mình bươn ra giữa hồ chơi với các anh rồi



Bơi như con rùa con

Các bạn rủ nhau lên đây spa.  Hỏi vì sao biết spa, các bạn bảo vì có đá này.
Có những thứ chẳng dạy mà cũng biết nhỉ?
Mẹ giơ máy lên chụp các bạn bảo nhau 'say spa, in stead of cheese.'
 
 
Em gái bạn Hải Đăng, 2 tuổi.  Xém tí nữa là em bị chìm trong hồ bơi nhà mình.
Nghĩ lại vẫn còn sợ.  Trong lúc Mẹ em bận nói chuyện, em lột phao tay ra
rồi tự động bước xuống hồ.  Em lóp ngóp trong nước mặt tái xanh. 
May là anh Minh Trí phát hiện kịp la lên.
Anh bảo anh muốn nhảy xuống đẩy em vào bờ (vì chỗ em chìm ngay sát chân anh)
 mà anh sợ quá không di chuyển dược.  Mẹ em nhảy xuống ôm em lên.  Sợ thật.


LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...