Saturday, January 14, 2012

Ông Ngoại tên là...Bố

Hồi CH còn nhỏ, ai hỏi ông tên gì, con trả lời: ông tên...Ngoại.

Lớn lên một chút, con cho rằng tên của ông Ngoại là...Bố vì con cứ nghe Mẹ gọi ông là Bố (lúc đó con chưa hiểu Bố là Ba).

Hơn một năm gần đây, con biết tên ông Ngoại là gì rồi và con đã hiểu Mẹ gọi ông là Bố cũng như con gọi Ba Th là Ba.  Một lần, con thắc mắc: tại sao Mẹ gọi ông là Bố mà không là Ba.  Thiệt là khó giải thích cho chú bé hiểu tại sao nên Mẹ chỉ trả lời ngắn gọn: thì Bố cũng là Ba mà con, ông Ngoại thích Mẹ gọi thế.  Mà thật sự là ông Ngoại thích Mẹ gọi như vậy thật.  Nhà Ngoại người miền Nam rặt, ngày mới sinh ra tới lúc lẫm chẫm biết đi, Mẹ vẫn gọi ông là Ba. Mãi tới khi 4-5 tuổi gì đó, nhà kế bên dọn về một gia đình Bắc 54, Mẹ sang chơi mãi nghe người ta gọi Bố về cũng bắt chước Bố Bố..., gọi riết thành quen miệng.  Ông Ngoại cũng dễ dãi (mặc dù bà Cố khó chịu rầy hoài) nói là gọi sao cũng được miễn là thương yêu nhau là đủ.  Thế là Mẹ bỗng dưng trở thành trường hợp độc nhất vô nhị từ nhà Nội sang tới nhà Ngoại với cách gọi Ba là Bố.  Mà Mẹ thích từ đó lắm, cảm thấy có cái gì đó rất đặc biệt giữa 2 cha con.  Sau này lịch sử lập lại với CH. Mẹ sanh con ra, Ba thích Mẹ xưng Má với con. Vậy mà tới lúc đi học mẫu giáo (đâu chừng hơn 2 tuổi), con về nhà khăng khăng gọi Mẹ là Mẹ, không chịu gọi Má.  Và cũng như ông Ngoại, Mẹ rất thoải mái với chuyện đó, gọi gì cũng được, miễn trong lòng con có sự kính trọng và yêu thương cha mẹ.

Mẹ hãnh diện là con gái của ông Ngoại.  Bao nhiêu thăng trầm đã từng nếm trải trong gia đình, đặc biệt sau khi bà Ngoại mất.  Có những lúc Mẹ thấy ông Ngoại xa thiệt là xa vì hình như thiếu bà Ngoại có lúc riềng mối tình cảm giữa 2 cha con cũng có phần lung lay, nhất là khi ông Ngoại có mối quan hệ khác.  Nhưng cha con thì vẫn là cha con.  Ngày nhỏ Ông yêu Mẹ vô đối, hầu như Mẹ thân và quấn quít với Ông hơn cả với bà.  Lớn lên cũng vậy, Ông bận bịu với cuộc sống riêng nhưng hầu như chưa bao giờ từ chối khi Mẹ cần Ông giúp đỡ hay đơn giản là ở bên cạnh Mẹ những lúc Mẹ rối trí và khó khăn.  Ngày thường Ông cũng nhõng nhẽo và mè nheo với mẹ lắm (hihi).  Nhưng khi Mẹ có khủng hoảng, bao giờ Ông cũng có mặt ngay lập tức.

Mẹ hiểu tính tình và sở thích của Ông bao nhiêu thì Ông cũng hiểu lại Mẹ y vậy.  Chiều nay có 1 chuyện thật cảm động mà Mẹ nghĩ Mẹ sẽ nhớ hoài không thể quên được. Mẹ rất thích ăn lạp vịt, Ông cũng vậy. Chưa hẳn là vì lạp vịt ngon (ba Th chê hoài và không thích Mẹ ăn món này vì theo Ba nó hôi lông và dầu mỡ quá), mà vì nó là món ăn ngon của một thời khốn khó.  Bà Ngoại người Hoa, Tết lại hay cho nhà ăn lạp vịt.  Miếng lạp vịt vàng hấp trong nồi cơm, nước mỡ tươm ra cơm mặn mặn thơm thơm, Mẹ mơ hoài suốt một thời tuổi nhỏ đến Tết được ăn lạp vịt.  Những năm sau này, không thấy người ta bán lạp vịt vàng nữa, tuyền một loại lạp vịt ướp cái gì đó đỏ đỏ ăn ngọt ngọt không ngon.   Hôm rồi Mẹ và Ông đi xem chợ Tết bên S, lại thấy miếng lạp vịt đỏ, Mẹ thở dài: sao con thèm miếng lạp vịt vàng của Mẹ quá Bố. Ông nói: trong Chợ Lớn Bố nghĩ là còn bán để bữa nào Bố đi tìm cho con, Bố cũng thích lạp vịt vàng hơn.  Rồi ông về VN trước Mẹ vài ngày.  Trong mấy ngày không có Ông, Mẹ lang thang với cô Ng vào khu phố Tàu và làm cô Ng ngạc nhiên khi Mẹ gần như không giấu được niềm phấn khích thấy ở một góc phố người ta bán lạp vịt vàng đầy ắp trong cửa tiệm. Mẹ vội vàng mua ngay cho Ông mấy miếng.  Tối nay vừa đáp xuống sân bay, Mẹ lật đật gọi Ông: Bố ơi, con mua cho Bố cái này hay lắm nè.  Ông cười cười: nói thử coi có hay bằng món Bố mua cho con không.  Mẹ đòi Ông nói trước.  Và mắt Mẹ tự nhiên ướt khi đầu dây bên kia Ông cười cười: tìm được chỗ mua vịt lạp vàng cho con rồi nè, có 2 miếng ở đây nè, mai Bố mang về cho.  Ông phá lên cười khi Mẹ nói trong giỏ Mẹ cũng có đúng 2 miếng lạp vịt vàng cho Ông (Mẹ giấu đi 1 miếng để dành cho CH và HH ăn thử, hihi).  Cuối cùng Mẹ và Ông quyết định mai gặp nhau trao đổi vịt lạp Chợ Lớn và vịt lạp S.

Không biết mai Mẹ skype kể con nghe chuyện này, con có mắc cười không ha.  Con có thấy Mẹ và Ông sao mà trẻ con quá, có 2 miếng vịt lạp thôi mà sao lại vui dữ vậy.  Đơn giản là vì Mẹ và Ông cảm thấy mình được quan tâm đó con.  Giống như hôm qua Mẹ đã sung sướng nghe con trai hỏi: Mẹ thích đeo nhẫn hả, mai mốt con đi làm con mua cho Mẹ 1 chiếc nha. Và con gái thủ thỉ: con thích đeo nhẫn giống Mẹ, con mua cho Mẹ 1 nhẫn, con 1 nhẫn giống nhau.

Tuesday, January 10, 2012

Nhạc Xuân...

Riêng tặng Bố của tôi và Ba của sắp nhỏ
Nhạc Xuân với tôi (và gia đình tôi) là một 'nghi thức' không thể thiếu trong ngày Tết (và đặc biệt là những ngày trước Tết).  Nó quan trọng như việc cả nhà chăm chút để cây mai nở những nụ vàng đầu tiên vào sáng mùng một, như việc tôi tỉ mẩn canh lửa, vớt bọt nồi thịt kho hột vịt làm sao để vị vừa ăn, nước trong veo, thịt mềm rục mà không nát, hay việc phải dọn nhà thật sạch, tối giao thừa phải đổ đầy tất cả các chậu nước trong nhà để năm mới đủ đầy không thiếu thốn.  Nghe nhạc Xuân như một truyền thống gia đình.  Tôi yêu nhạc Xuân từ Bố Mẹ tôi.  Tôi hiểu và cảm nhạc Xuân nhiều hơn từ khi quen và lấy ông xã tôi và giờ thì con tôi cũng bắt đầu yêu nhạc xuân.  Cứ sau Tết Tây thấy người ta dẹp các đồ trang trí Noel đi và bắt đầu rục rịch trang trí mai vàng, dưa hấu...là anh con trai lớn lại nhắc: Ba/ Mẹ mở nhạc xuân đi.  Có điều anh chàng nghe nhạc xuân chưa có chọn lọc. Bài nào có chữ xuân là anh nghe và tập hát theo hết, trong đó có mấy bài nhạc xuân sau này Ba Mẹ anh rất sợ (đặc biệt là cái bài Tết, Tết, Tết..., nghe om sòm phát mệt).  Mà thôi, con bắt đầu yêu nhạc Xuân thì Mẹ đã thấy yên tâm là truyền thống gia đình ít nhiều cũng không mai một.

Thực chất, nhạc Xuân với tôi là những bản nhạc viết về Tết trước 1975.  Tôi sinh ra trước 1975 nhưng còn quá nhỏ để hiểu tâm trạng của người nhạc sĩ cũng như bối cảnh mà các ông viết những bài 'Xuân Này Con Không Về',  'Đồn Vắng Chiều Xuân'  hay 'Nếu Xuân Này Vắng Anh'.  Thế mà không hiểu vì sao những giai điệu của các bài nhạc Xuân ấy luôn làm tôi thấy bồi hôì và có cái gì đó rất thân quen.  Nghe một bản nhạc Xuân bất kỳ nào cũng thấy cái gì đó rung động trong ký ức cứ như là mình đã gặp cảnh ấy, người ấy, tâm trạng ấy ở đâu đó từ rất xa trong tiềm thức.  Có lẽ, nghe nhạc xuân là tôi gặp lại tuổi thơ của mình chăng?

Ngày tôi còn nhỏ xíu, cứ sau rằm là Bố Mẹ tôi bắt đầu mở nhạc xuân.  Ngày tôi còn dưới 10 tuổi, những bản nhạc ấy không dám mở to.  Chỉ là mỗi sáng thức dậy trước khi ra khỏi giường, cả nhà nằm gác chân nhau nghe nhạc rủ rỉ từ các cassette đặt ngay đầu giường Bố Mẹ.  Tôi còn nhớ năm nào Bố tôi cũng đi thâu 1 băng nhạc Xuân mới cho Mẹ.  Mấy cái băng cassette của Bố ngày xưa ngộ lắm, Bố cứ lấy giấy báo hay giấy bao tập đẹp đẹp cắt bỏ 2 lỗ (chỗ tua băng) và dán lên 2 mặt băng để trang trí.  Những năm tôi học cấp 2 và cấp 3 thì người ta bắt đầu nghe nhạc hải ngoại, nhạc trước 1975 một cách công khai hơn.  Và tới tuổi đó thì tôi bắt đầu chủ động lùng tìm nhạc Xuân tự mua và tự mở cho cả nhà nghe.

Mỗi một bài hát gắn với một ký ức nào đó. Không hiểu sao cứ nghe 'Cánh Thiệp Đầu Xuân' là trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh Mẹ tôi mỗi trưa 30 Tết, trên đầu đầy ống lô cuốn tóc (làm đẹp cho ngày mùng Một ấy mà), tất bật dọn bàn cúng đón ông bà, miệng lẩm nhẩm hát theo một bài hát Xuân nào đó mà tôi đang mở vang nhà.  Hay cứ nghe bài 'Ly Rượu Mừng' là tôi lại nhớ rất rõ hình ảnh đại gia đình bên Nội, tập trung đầy một nhà của ông bà Nội cuốn bì cuốn chay sáng mùng 1 Tết, cùng nhau ăn chay rồi chúc Tết ông bà. 

Tôi may mắn được sẻ chia (và làm giàu thêm) tình yêu với nhạc Xuân cùng người bạn đời của mình.  Tôi nhớ những ngày còn son trẻ lúc nhà chưa tăng dân số với 2 bạn nhỏ bây giờ, qua Rằm tháng chạp là 2 vợ chồng lại chở nhau ra Nhân lục lọi tìm mấy đĩa nhạc Xuân mới, hay tìm mua Thúy Nga chương trình Xuân để dành tối giao thừa xem (hơn chục năm nay tôi không còn xem chương trình Tết của HTV trên TV nữa).  Tôi nhớ ông xã biết tôi thích 'Cánh Thiệp Đầu Xuân' ráng bỏ công ra dạy tôi hát từng lời trong bài hát đó để sáng mùng Một về chúc Tết Ba Má chồng hát hò với mấy anh chị chồng (đầy máu văn nghệ) cho vui, mà cơ khổ tôi được trời phú cho giọng hát ngang phè hổng giống ai, dạy được bài đó cũng khổ cực vô cùng, haha.  Tới khi có 2 bạn nhỏ, Tết năm nào cũng tất bật (bạn nào cũng sanh gần gần Tết), mấy năm liên tục toàn nghe nhạc xuân từ đĩa cũ.  Vẫn thấy vui, vẫn bàn tán với nhau xôm tụ từng lời nhạc hay hay. Cách đây 2 tuần, từ HN tôi bay về SG khá muộn.  Một ông Ba và 2 đứa nhóc dẫn nhau đi đón Mẹ.  Lên xe, bạn Ba cười cười: nghe nhạc xuân mới hông, chiều mới đi mua nè.  Tự dưng thấy vui vui.

Mà từ nhỏ quen nghe nhạc xuân chung cả nhà, lớn lên quen nghe với chồng.  Riết rồi không nghe nhạc xuân một mình được nữa.  Hôm vừa rồi mấy cha con đi S hết, ở nhà buồn buồn mở nhạc Xuân lên nghe thấy nó kỳ kỳ, lạc lõng sao đó.  Thành ra nghe nhạc Xuân tôi thấy có 2 'luật bất thành văn' (cái này là sở thích cá nhân thôi): chỉ hay khi nghe trước Tết và nghe chung với một ai đó.

Bữa nay hứng hứng viết bài này vì chiều nay 2 bạn nhỏ nằm chơi Ipad và ư ử hát với nhau bài 'Xuân Đã Về', trật lời trật nhịp tùm lum mà thấy hào hứng lắm. Ông anh dặn cô em: về SG anh nói Ba mở nhạc Xuân cho Hân hát nha.  Mẹ hỏi nghe nhạc Xuân không Mẹ mở trong internet cho nghe. Cậu chàng lắc đầu: con thích nghe nhạc Xuân trong xe Ba thôi.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...