Saturday, May 17, 2014

Paying it forward


Trong những ngày nhìn đâu cũng thấy căng thẳng, đọc đâu cũng thấy lo âu, 3 mẹ con may mắn có được 1 niềm vui nho nhỏ.  Mẹ lại có cớ để chui vô phủi bụi blog viết dông viết dài làm của để dành cho tụi con.

Những ngày dịch sởi đang bùng phát dữ dội, mẹ CH và HH tình cờ đọc 1 bài báo về 'gia đình bé' (tạm gọi là như vậy, theo cách con thường nhắc về trường hợp này).  Lúc đó hoàn cảnh của bé nào dính sởi cũng ngặt nghèo, nhưng câu chuyện của 'gia đình bé' chạm vào 1 nỗi đau từ xa xưa của mẹ CH & HH, những ngày đi từ viện này đến viện khác, uống đủ loại thuôc Bắc Nam để mong được làm Mẹ.  Nghĩ tới người Mẹ đó có thể sẽ lại vuột cơ hội làm Mẹ vừa có được, Mẹ thấy thật đau lòng.  Lúc đó Mẹ đang ở V, gọi về S kể cho CH và HH nghe và rủ 2 con cùng làm 1 cái gì đó cho 'gia đình bé' (Mẹ thường hay rủ 2 con làm chuyện xã hội chung từ chuyện bàn bạc lên kế hoạch đến thực hiện).  HH bảo Mẹ cứ dùng tiền lì xì, CH xin góp 3 SGD tiết kiệm được từ tiền ăn trưa.  Mẹ nhờ sự trợ duyên của 2 cô bạn đồng nghiệp ở xa chuyển tới 'gia đình bé' một phần quà nhỏ nhoi, biết là không giúp được gì nhiều chỉ mong mẹ bé ấm lòng 1 chút trong lúc đau buồn vì 1 mất mát đầu tiên và lo lắng sẽ lại có 1 mất mát nữa.  3 ngày sau, 2 người bạn Mẹ mới liên lạc được với người Mẹ tội nghiệp đó.  Lúc đó Mẹ đã về S.  Một buổi chiều điện thoại Mẹ rung lên với 1 dãy số lạ.  Thông thường, khi roaming Mẹ ít bắt điện thoại có số lạ.  Hôm ấy không hiểu sao Mẹ lại bấm nút trả lời, đầu dây bên kia là 1 giọng nói rụt rè. Mẹ của 'gia đình bé' gọi báo đã nhận quà, cám ơn Mẹ và cho Mẹ biết sơ bộ về tiến triển của bé.  Mẹ ngạc nhiên và xúc động. Phần quà của 3 mẹ con rất nhỏ nhoi và Mẹ biết Mẹ của 'gia đình bé' có nhiều mạnh thường quân khác giúp đỡ tích cực hơn 3 mẹ con mình rất rất nhiều.  Dù chưa gặp mặt, Mẹ thật sự có cảm tình và trân trọng cô ấy vô cùng.  Vài tuần lễ trôi qua, 2 con thường hay hỏi Mẹ về 'bé', lo lắng không biết 'bé' đã khoẻ chưa.  Mẹ không dám gọi lại cho 'gia đình bé' sợ lỡ như điều gì xấu đã xảy ra thì mình vô tình khơi lại nỗi đau cho người ta.  Lần lựa mãi tới thứ 4 vừa rồi, trong lúc lướt FB đọc tin thời sự, tình cờ mẹ nhìn thấy một mẫu tin ngắn, 'bé' đã xuất viện, Mẹ bé bế bé cười rạng rỡ.  Mẹ mừng rơi nước mắt (như đã từng rơi nước mắt khi đọc về hoàn cảnh của gia đình ấy lúc ban đầu).  Mẹ gọi điện thoại báo ngay cho 2 con.  Giọng anh Hai ở đầu dây bên kia cũng reo vang: Mẹ bé đó hết buồn rồi Mẹ, vậy là con cũng giúp được 1 người hả Mẹ? Rồi con chùng giọng xuống: nhưng không biết người ta trả hết nợ chưa, Mẹ có muốn lấy thêm tiền để dành của con không? Mẹ đọc trên mẫu tin ấy là gia đình có nhiều mạnh thường quân giúp nên khi xuất viện đã trang trải được hết mọi nợ nần, mình sẽ để dành tiền ấy giúp cho những trường hợp khác cần thiết hơn.

Mẹ hay rủ con làm việc xã hội và luôn hạn chế dùng chữ 'từ thiện' với con.  Mẹ muốn con hiểu khi con giúp ai đó không phải là con đang 'donate'/ ban bố/ làm ơn.  Khi mình giúp một ai đó là mình đang gieo duyên với họ và đang bỏ ống phước đức cho chính mình.  Lần trước con về nghỉ Noel, Mẹ mất một buổi tối thảo luận với 2 con về vấn đề này.  Mẹ cho con 1 ví dụ, con giúp bạn A và bạn A giúp lại con cái đó gọi là 'pay back', cũng tốt nhưng nó chỉ là mối quan hệ qua lại và khép kín. Con giúp bạn A, bạn A nhờ sự giúp đỡ đó có thể vượt qua 1 khó khăn nào đó và có khả năng giúp tiếp bạn C, cứ thế nhân rộng ra... Có thể con sẽ không thấy bạn A làm gì lại cho con, nhưng khi con khó khăn, sẽ có bạn X, bạn Y, bạn Z nào đó trong chính vòng tròn 'gieo duyên' đó của con chìa tay ra giúp con, như vậy có nhiều người làm điều tốt và được nhận điều tốt hơn.  Ngày xưa khi trao tặng cho bất kỳ ai 1 điều gì dù là kiến thức, vật chất hay 1 cử chỉ quan tâm, Mẹ hay buồn nếu gặp người 'đãng trí' nhận đó rồi quên đó.  Còn bây giờ khi trao tặng Mẹ hay mỉm cười trong lòng và phát nguyện 'mong con mình mai này sẽ gặp người rộng lượng sẻ chia cho con kiến thức, giúp cho con 1 điều gì đó khi con đang khó khăn'.

Mẹ từng may mắn được hỗ trợ học hành suốt 12 năm phổ thông từ 1 người bạn rất thân của Ông Bà Ngoại của HH và CH.  Lớn lên đi làm, 2 người sếp đầu tiên của Mẹ là những người rất tốt bụng.  Họ hướng dẫn cho Mẹ những gì họ biết không hề giấu diếm.  Mẹ gõ máy tính nhanh như hôm nay là nhờ chị sếp đầu tiên mua phần mềm typing cài vào máy để mẹ thực tập, bỏ giờ cơm trưa ra hướng dẫn Mẹ từ cách để tay lên bàn phím thế nào, gõ làm sao cho nhanh.  Anh sếp 'sư phụ' nước ngoài của Mẹ sẵn sàng gạch xanh gạch đỏ nát cả bài báo cáo chỉ cho Mẹ bao nhiêu từ ngữ hay ho mà bây giờ mỗi lần dùng trong bài viết lòng lại thấy ấm áp.  Thật lòng bảo Mẹ đền ơn cho họ Mẹ không biết phải làm gì. Họ không thiếu gì cả.  Và trong cuộc sống ắt hẳn cũng nhiều lần Mẹ làm họ buồn lòng.  Mẹ chọn cách đền ơn không 'pay back' mà là 'pay it forward'. Mình đã từng được hỗ trợ học hành, được hướng dẫn tận tâm thì giờ mình làm lại điều đó với những học sinh khó khăn hoặc với đàn em của mình, với hy vọng họ cũng sẽ nhân rộng thêm sự tận tâm truyền đạt và hướng dẫn đó. 

Trẻ con tiếp thu rất nhanh và đôi khi áp dụng rất buồn cười. Một ngày Mẹ mang về nhà mấy món quần áo đồ chơi bạn Mẹ gửi về cho con từ phương xa. Con hí hửng nhận và reo lên: hay thiệt nha Mẹ, tuần rồi con vừa cho bạn đồ chơi thì tuần này con được tặng đồ chơi. Does it mean 'paying it forward' Mẹ?  Haha. Trẻ con vẫn là trẻ con.  Con vẫn mong nhìn thấy 'instant pay-back' (trao đi và mong nhận lại được ngay). Con còn nhỏ cứ hiểu thế cũng không sao.  Đôi khi như vậy sẽ giúp con có động lực trao tặng hơn.  Lần rồi gia đình đi nghỉ mát ở ĐN.  2 anh em rất thích những khách sạn BM book cho gia đình ở HA và ĐN.  Gần đến ngày về, anh CH ngồi nhâm nhi bữa ăn sáng và buột miệng: con chắc là một người tốt ở previous life (kiếp trước) của con nên bây giờ con lucky quá con được ở 1 nơi đẹp như vậy. Mẹ im lặng nghe con nói tiếp: con phải cố gắng ngoan và tốt nữa để next life (kiếp sau) của con cũng được may mắn nữa.  Mẹ mừng con đã hiểu 1 chút về 'karma'/ nhân quả, dù con còn thực dụng và đơn giản.  Nhưng Mẹ cũng dặn dò rằng 'gieo hành động tốt để nhặt đươc may mắn không có gì sai, nhưng con còn phải nỗ lực học hành và lao động nữa, chỉ mong vào nhân quả thì không đủ'.

Nói về chuyện 'paying forward' Mẹ cũng từng trăn trở khá nhiều.  Việc xã hội thật sự rất nhiều, làm một mình không xuể.  Nhưng rủ rê bạn bè làm chung thì vừa sợ bị hiểu lầm là lợi dụng vừa sợ người ta bảo 'làm chả bao nhiêu mà giả vờ khoe'. Người VN và người phương Tây làm việc XH khác nhau chỗ đó.  Người phuơng Tây thường loa lên cho cả làng biết để gây quĩ làm được nhiều việc rộng lớn.  Người VN gọi nhau làm thì trước sau gì cũng sẽ bị mang tiếng 1/ đánh bóng tên tuổi, 2/ nghi ngờ về tính minh bạch... , nên cứ mạnh ai nấy làm. Có nhiều tấm lòng hướng thiện nhưng việc làm thì nhỏ lẻ và kết quả không đáng kể. Ngày xưa Mẹ cũng vậy, làm được gì thì tự làm một mình.  Sau này Mẹ có cô bạn quen bảo Mẹ: bạn làm gì thì rủ tui làm cùng, cái đó là mình gieo duyên, tạo cơ hội cho nhau làm việc thiện, bạn đừng ngại.  Vài lần rủ rê, có nghe dèm pha, nhưng cũng có rất nhiều người ủng hộ thế là Mẹ vững tin hơn, giờ có gì hay hay là lại rủ nhau.  Người có công, người có của.  Một mình mình không đủ lực làm, đông tay vỗ nên kêu. Có lợi cho nhiều người.  Đây cũng là quan điểm làm việc xã hội của Ba CH.  

Nhờ tư tưởng gieo duyên đó mà Mẹ cũng mạnh dạn hơn trong việc hỗ trợ chị em bạn bè làm việc XH. Trước kia muốn phụ với ai 1 tay lại nghe lời xì xầm, bạn A làm mấy việc này để mua danh, bạn B bày đặt uỷ lạo để tạo uy tín với chính quyền nơi bạn có cơ sở làm ăn vv và vv.  Những người dèm pha đó thật sự chưa bao giờ chung tay làm việc gì cả, họ chỉ bàn ra.  Lúc đầu Mẹ cũng hoang mang.  Rồi Mẹ nghĩ, cô A có mua danh hay cô B có lấy lòng chính quyền gì đi nữa nhưng việc làm của các cô ấy đáng phải được trân trọng vì nhờ có họ mà nhiều con người tuần đó tháng đó có gạo ăn, có thực phẩm dùng, bớt cho họ được chút lo âu nào trong cuộc sống tốt chút đó (và biết đâu bớt được cả tệ nạn, người ta đủ ăn thì đâu còn muốn đi ăn cắp hay lường gạt của ai nữa). Chừng nào các cô ấy quyên tiền mà không làm thì đúng là không chấp nhận được.  Còn đằng này Mẹ tận mắt chứng kiến họ lăn xả không ngại đường xa, không ngại thứ 7 hay chủ nhật, tận tay gói ghém từng món quà, hay đến tận địa phương xây cất cái này cái kia cho dân sử dụng.  Động cơ gì đằng sau không cần biết.  Họ thật sự có làm cho cuộc sống mọi người tốt hơn.  Thế đã tốt hơn khối người ngồi dèm pha mà chưa từng làm gì cả.  

Có lần 2 con nghe BM bàn bạc với nhau về một người quen cần BM giúp hỗ trợ mua 1 vật dụng trong nhà. HH hỏi: người đó không đi làm nên không có tiền hả Mẹ? Mẹ ậm ừ. Con nói tiếp: không đủ tiền sao mua đồ mắc tiền chi Mẹ, chừng nào đủ tiền rồi mua cũng được mà Mẹ?  CH nói thêm: Ba nói với con, nếu không có việc làm thì đi xin việc làm, đi nhiều chỗ sẽ có người nhận, phải tự đi làm mới có tiền mua đồ mình thích.  Mẹ nghe vậy giả bộ hỏi ý kiến 2 đứa là Mẹ có số tiền nhỏ thôi, nên giúp người đó mua món đồ mà thật ra họ cũng chưa cần lắm hay giúp 1 làng nghèo ở quê xa.  Con trả lời: giúp làng nghèo.  Mẹ băn khoăn: nhưng làng nghèo thì mình không quen còn người này là người quen mà con.  CH rất dứt khoát: nhưng người ta không có gạo ăn thì đói sao đi học đi làm được chứ không có đồ xài thì đâu có sao (như con nghỉ chơi Ipad 1 ngày con buồn thôi chứ đâu có bị bịnh, con không được ăn cơm mới bị bịnh, haha, thiệt là biết so sánh ghê).  Thấy vui vui, mình hướng con tới thiện tâm thiện ý và con dạy lại mình cách hành thiện 1 cách có lý trí.  

Nhiều người bảo 3 cái chuyện nhân quả, làm việc xã hội bắt con tham gia, kể cho nó nghe làm gì.  Nó còn nhỏ mà.  Con không bé bỏng như mình nghĩ đâu.  Không bao giờ là quá sớm để hướng dẫn 1 lối sống cho con.  Mà đó, có phải mình hướng dẫn nó đâu, mình học được từ nó bao nhiêu là thứ.

Gõ bài này và nhớ tối hôm qua HH hỏi Mẹ: mình giúp 1 bé đó nhưng mấy đứa bé khác đã hết sởi chưa Mẹ?  VN hết dịch entirely hay vẫn còn chút chút.  Rồi mình có giúp nữa không?  Em thật sự làm Mẹ giật mình. Mẹ vui với 'gia đình bé' mà quên là Mẹ đang hành xử thật cảm tính. Mẹ tìm đến gia đình đó vì 1 sự đồng cảm chứ Mẹ chưa nghĩ xa được như HH là mình phải làm gì để giúp nhiều nhiều bé ít bị sởi hơn hoặc chóng hết sởi hơn?

Bài học 'paying it forward' mẹ con mình còn cùng nhau học dài dài.

No comments:

Post a Comment

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...