Thursday, September 24, 2009

Anh & em tập nói...

Tựa nghe lạ nhỉ?  Em 2 tuổi tập nói đã đành.  Anh 4 tuổi mà còn tập nói là sao?  Ừ, vậy mà có đó.  Từ từ Mẹ sẽ kể lại 2 anh em nghe nhé.

IMG_3770Bạn nhỏ này bắt đầu nói nhiều kinh khủng.  Nói suốt ngày, hát suốt ngày.  Nói là nói cả câu nhé.  Hôm chủ nhật anh Hai bị Mẹ phạt úp mặt vào tường vì tội hỗn và trả treo với Mẹ.  Anh quì gối khoanh tay úp mặt vào tường khóc thút thít.  Cô em gái đứng sau lưng chống nạnh nhắc tuồng (rất ra dáng 'mụ chị'): xin lỗi đi.  Mẹ buồn cười mà phải ráng giữ mặt nghiêm vì sợ mất uy trước mặt anh Hai.  Mẹ phạt anh Hai ở nhà không cho về Nội chơi luôn.  HH về Nội 1 mình, vừa thấy Nội 'mách lẻo' ngay (câu dài nhất từ xưa tới giờ): Bà Nội, anh Heo phạt òi, khóc hu hu.  Vậy mà thương anh lắm nha.  Từ nhà Nội về, anh ra mở cửa, 2 anh em ôm chầm nhau hun hít như xa nhau cả tuần (mặc dù chỉ mới chưa tới 3 tiếng đồng hồ, hihi), em chỉ vào cái túi Mẹ đang cầm: Nội cháo gà anh, chuối anh (xin tạm dịch là Nội gửi cho anh cháo gà và chuối - hihi).

Tối nào thấy anh đi học về cũng có chuyện kể Mẹ nghe: sáng nay con blah blah blah, chiều nay lớp con blah blah blah, em ức lắm (vì em chưa đủ từ để kể chuyện).  Em quyết tâm cạnh tranh với anh, xách cái gối tới nằm cạnh Mẹ vừa đi vừa nói: em nằm Mẹ.  Tới nằm sát Mẹ rồi, em bắt đầu 'thêu dệt': Mẹ, sáng nay....sau đó là 1 tràng tiếng lạ, chả hiểu ý em muốn nói gì nhưng lên bổng xuống trầm nghe cũng thành 'chuyện' lắm.  Mẹ và anh Hai cười nôn cả ruột.

Mẹ hỏi em: lớp Hân có những bạn nào nè.  Hỏi chơi cho vui, dè đâu em hiểu và trả lời được.  Em kể 1 dọc tên: bạn Đạt, bạn Xuân Nhật (đọc là Xưn Nhựt), bạn Tin, bạn Tino, bạn Phúc..., có bonus thêm 1 câu là bạn Xưn Nhựt bánh Hân (là Nhật cho bánh Hân đó).  Mẹ lẩm nhẩm theo Hân và phát hiện là Hân kể tòan tên...bạn trai.  Mà lớp Hân gái đông hơn trai nhé.  Chết thật, sao mà chỉ quan tâm đến bạn trai thế này?  HH đi khám bệnh cũng thích y tá nam thôi.  Cứ gặp chú Ph y tá là y như rằng em dịu dàng nữ tính, túm áo túm váy cười lỏn lẻn.  Còn gặp cô y tá thì em gào lên khóc ầm ĩ.  Hix.

IMG_3702Em tập nói bi bô tiếng mẹ đẻ thì anh tập nói...ngọai ngữ. 2 tháng đầu vào trường mới anh mù tịt, ngồi nhìn Cô mà chả hiểu Cô nói gì.  Được cái anh không than van gì cả, chẳng có dấu hiệu chán nản.  Ba Mẹ cũng chẳng ép.  Cô bảo về nhà Ba Mẹ nên nói tiếng Anh với con để con nhanh quen với ngôn ngữ mới hơn.  Tình thiệt mà nói, Ba Mẹ không quen giao tiếp bằng tiếng Anh ở nhà.  Mẹ nghĩ việc học thì cứ từ từ, vả lại Mẹ không muốn con quên tiếng mẹ đẻ và sợ làm HH bị rối.  Bù lại, để giúp anh Hai , Mẹ mua cho Hai bộ Discover English with Ben & Bella.  Từ lúc có bộ đĩa đó, vừa giải trí vừa học, anh Hai bắt đầu bập bẹ nói 'ngọai ngữ' nhiều hơn.  

Đầu tiên là Hai có thể 'thấy mặt đặt tên' tất cả thể lọai trái cây, thú vật, xe cộ thông dụng.  Cô giáo khoe với Mẹ là dạo này Hai hiểu Cô nhiều hơn dù vẫn ít phát biểu.  Tất cả những khẩu lệnh thông thường trong lớp Hai đã có thể làm theo.  Mẹ tạm yên lòng.  Thi thỏang, Mẹ nghe Hai đọc vanh vách 24 chữ cái để 'khoe khoang' với HH.  Có khi thì Hai 'dự báo thời tiết': sunny/ rainny/ cloudy day.  Tối hôm qua Mẹ được 1 cú bất ngờ.  Hai vừa xem TV vừa uống sữa, Mẹ thấy Hai cứ ngậm ống hút mà chả thấy sữa lên xuống trong ống hút gì hết (Hai uống Milo mà nên dễ nhận ra lắm).  Mẹ nhắc nhở.  Hai há miệng ra cho Mẹ thấy sữa trong miệng rồi càm ràm: mommy, milk in my mouth.  Mẹ há hốc miệng nhìn Hai rồi giả lơ như không nghe (dù trong bụng cũng khóai chí lắm).  Lát sau, khi đi ngủ, Mẹ giả bộ kể HH nghe: hồi nãy Mẹ nghe anh Hai nói tiếng Anh hay lắm đó, Hân có nghe hông?  Anh nằm úp cái gối lên mặt cười tủm tỉm

Được khen anh bắt đầu hứng chí lên, xổ tùm lum.  Chiều nay, HH đang hát 'Bắc Kim Thang', anh la lên: stop, listen teacher (bỏ mất chữ 'to', hehe).  Và 'teacher' dành sân khấu hát líu lo cái bài hát 'nursery rhymes' bài này qua bài kia.  Nhưng khổ lắm, có khi anh thực hành chẳng đúng chỗ.  Em HH vừa lim dim ngủ, anh lắc lắc em: wake up, wake up.  Mẹ hỏang hồn lôi anh ra.  9.30 p.m. mà anh xúi HH 'wake up' thì chắc Mẹ hic hic, hu hu quá.

Cả 2 anh em đều đang bập bẹ tập nói nên chuyện 'giao thoa' là điều không tránh khỏi.  Mẹ dạy HH nhận biết trái cây chỉ từng trái hỏi em, em trả lời vanh vách: trái cam, trái lê, trái chuối....Tự dưng tới trái táo em dõng dạc: apple.  Mẹ lè lưỡi hỏi lại, em mới thỏ thẻ: trái táo.  Em làm Mẹ hết hồn hòai.  Có bữa HH nhặt 1 chữ trong đống aphabet bằng cao su của anh Hai đưa cho Mẹ: Mẹ, [Bi:] (B), [ai] (I).  Hay có khi con cầm cái đồ cột tóc bằng thun tròn vo của Mẹ đọc lẩm nhẩm [ou] (O).  Anh Hai nhận mình là 'teacher' từ cái khỏan học chữ này, Hai dạy Hân đọc alphabet đó (chứ Hai còn biết dạy ai trong nhà nữa giờ, haha).  Ai nói gì mà HH không ưng là HH chu mỏ lên, lắc đầu nguầy nguậy: no, no.  Mẹ tòan phải lờ đi, vì sợ HH tưởng hay, cứ học song ngữ kiểu vậy hòai thì sẽ ảnh hưởng tới phát âm tiếng Việt của con.  Mà khổ lắm, tối nào dạy HH học nói, Hai cũng kè kè sát bên.  Chỉ hình hỏi HH, HH trả lời tiếng Việt là Hai sẽ chua ngay 1 chữ bằng tiếng Anh.  Hân vừa 'Mẹ' thì Hai 'mommy', Hân vừa 'xe búyt' thì Hai 'bus'.  Chữ nào Hai không biết, Hai bắt Mẹ phải chỉ cho Hai 'tên tiếng Anh của cái này là gì?'.  Thế là HH dù muốn dù không cũng bị học theo Hai.  Haizz...

Mẹ buồn cười nhất với khỏan tranh nhau hát.  HH 'Bắc Kim Thang' thì Hai phải gào lên 'The more we get together...', HH vùa 'bà ơi bà...', bên kia Hai hí hửng 'rain, rain go away...'. Chỉ có 2 bài chịu hát chung trong hòa bình thôi đó là 'twinkle, twinkle little star' và 1 đọan trong bài 'Cùng Nhau Hòa Đàn' của nhạc sĩ Trần Văn Khê  'hò xự hò, xang xự xang, xê cống xê...'

Mẹ thích nghe 2 đứa bi bô dù là tiếng gì.  Và cho dù sau này 2 con sẽ chọn ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chính của mình đi nữa, Mẹ chỉ mong tụi con biết nói điều hay lẽ phải.  Sáng nay đưa Hai đến trường, Mẹ hỏi Hai: chiều nay con có muốn đi bơi với Mẹ không?  Hai trả lời:.  Mẹ hỏi Hai: chữ dạ đâu con.  Hai trững giỡn: con làm rớt dưới đường rồi.  Mẹ nghiêm mặt im lặng.  Hai biết Mẹ giận.  Tí xíu sau Hai khều khều Mẹ: Mẹ ơi, dạ có.  Con lượm chữ dạ lên rồi.  Tối Hai hỏi Mẹ: sao phải dạ.  Mẹ giải thích chuyện lễ phép Hai nghe.  Từ đó đến tối, Mẹ nói gì, hỏi gì Hai cũng dạ ngọt xớt.  Em HH cũng bắt chước 'dạ có'.  Nghe mát lòng mát dạ gì đâu.

Thursday, September 17, 2009

Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ...

Mấy tuần vừa rồi có vài chuyện để suy gẫm.

1 ngày vào WTT, bần thần với tin 1 bà mẹ mất con trong 1 tai nạn xe hơi.  Chồng cầm lái, vợ bế con hơn 1 tuổi cùng ngồi băng trước, xe bể bánh, lạng tay lái, lộn 1 vòng... Ba Mẹ bình yên.  Còn bé...ra đi ngay tại chỗ.  Vài phút trước đó bé còn bi bô, cười đùa trong tay Mẹ...  Đọc những dòng thơ Mẹ bé viết nhớ bé 2 tuần sau đó mà nước mắt mình cứ dàn dụa.  Thương người Mẹ đó vô cùng.

Chưa hết bàng hòang về tin trên thì vài ngày sau cộng đồng wtt lại xôn xao về tai nạn thương tâm của Mẹ P.  1 chuyến đi công tác xa, 1 vòng bơi quanh hồ trong mưa đã đưa người Mẹ đó đi xa con vĩnh viễn.  Tai nạn phát hiện muộn ở hồ bơi trong 1 khách sạn, Mẹ P chết não nhưng tim vẫn còn đập.  Đưa về HCM để nhìn mặt chồng con.  Bao nhiêu nỗ lực từ y học đến tâm linh đều bất lực.  Thương nhất là khi biết tin Mẹ ấy nằm bất động chảy nước mắt lúc chồng rủ rỉ tâm sự, với hy vọng có thể làm Mẹ phục hồi trí nhớ.  Em bé của mẹ P. lớn hơn Cá Heo nhà mình 1 tuổi.

Ám ảnh mãi 1 chữ vô thường.  Có nay mất mai.

Chợt nghĩ có biết bao điều mình muốn làm, bao lời yêu thương mình muốn nói nhưng vì bận rộn, vì ngại ngùng mà vẫn chần chừ chưa làm, chưa nói. 

Tự nhủ với mình ôm hôn con thêm được cái nào thì cứ hôn, dịu dàng với chồng được lời nào thì cứ nói, chăm sóc Cha Mẹ được gì thì cứ làm và mơ ước, dự định điều gì đó mà không quá vượt tầm tay thì cứ thực hiện.  Không chần chừ, không 'hold back' nữa.  Không phải mình khuyến khích yêu cuồng sống vội nhưng có khi phải sống trong tâm thế rằng ngày hôm nay không quay trở lại....

Monday, September 14, 2009

Chuyện nhỏ của con...

IMG_3772



Cá Heo ngồi lật lật cuốn text book mang từ trường về, giọng hậm hực: Mẹ, sao chỉ có cờ Singapore vậy, không có cờ Việt Nam.  Mẹ ngạc nhiên hỏi: con tìm cờ VN làm gì (trong bụng rất thắc mắc là làm sao con biết cờ Việt Nam ra sao mà tìm, nhưng không dám hỏi, sợ chàng tự ái).  Anh chàng trả lời: cờ Singapore là của Singaporean, của bạn Justin, bạn Charlotte, cờ Việt Nam là của Vietnamese, của con, Mi Mi, Gi Gi, Nhật Phương...  Ooops, sorry the little patriot. Mẹ 'giả bộ' ngây thơ: cờ Việt Nam ra sao, con chỉ Mẹ đi rồi Mẹ tìm cho.  Con hí hửng: cờ màu đỏ có ngôi sao màu vàng đó Mẹ.  Bingo!  Mẹ chóang vì mình đã đánh giá con thấp quá.  Đang ôm laptop, Mẹ google 1 phát, cờ đỏ sao vàng hiện ra, anh chàng nhảy tưng tưng: đúng rồi Mẹ ơi, cờ Vietnamese nè (buồn cười chữ Vietnamese quá).  Tự dưng Mẹ cũng thấy cờ Việt Nam đẹp hẳn lên (hihi)

Ba đi công tác mang về 2 bịch bánh pía cho 2 anh em.  Mẹ để dành 1 bịch cho Nội vì Nội rất thích bánh pía.  Anh 2 cũng ngoan ngõan nghe theo.  Bịch bánh pía của 2 đứa hết vèo trong 1 buổi chiều (con có gien mê bánh pía của Nội mà).  Thế là từ thứ Tư đến thứ 7, ngày nào anh Hai cũng lượn lờ quanh bịch bánh pía còn lại: Mẹ, cho con ngửi cái thôi.  Lúc thì: Mẹ cho con cầm đỡ thèm (haha).  Dì Đ thấy tội nghiệp biểu Mẹ cho con ăn đi rồi mua cái khác cho Nội.  Nhưng Mẹ không đồng ý mặc dù Mẹ cũng xót 'cái sự thèm thuồng' của con lắm.  Chìu 1 lần Mẹ sợ con sẽ hư luôn vì  con tưởng là lúc nào yêu cầu của con cũng phải được ưu tiên.  Có khi 1 chút thèm thuồng sẽ làm con quí hơn những gì con có được.  Vả lại, Mẹ muốn dạy con phải kính trên nhường dưới, không được ăn hỗn.  Sáng Chủ Nhật, Ba Mẹ vừa lên tiếng: chuẩn bị về Nội nghe con, con phóng cái rột tới bàn ôm khư khư bịch bánh pía: con mang về cho Nội (haha, có ý đồ đây).  Về nhà Nội, con đưa bịch bánh bằng 2 tay cho Nội: Ba con mua cho Nội, con thèm lắm mà Mẹ không cho ăn, lát Nội ăn cho con thử 1 miếng thôi nha.  Hahaha.  Ở nhà ai cũng buồn cười.  Tội nghiệp con phải ráng nhịn thèm trong 1 tuần.  Nhưng bài học này có hiệu quả lắm nhé.  Hôm nay Mẹ đi làm về nghe kể lại là dì cắt xòai cho con ăn, con hí hửng xiên miếng xòai rồi tần ngần: Dì Điệp ơi, ông Ngọai ăn chưa, để con mời ông.  Ông hỏi sao con mời ông vậy.  Con bẽn lẽn: Mẹ dặn đó, không mời Mẹ giận đó, mà ông là ông của con mà, con phải chia sẻ cho ông chứ.   Đáng yêu quá chừng.

Em Hân Hân cũng bắt đầu học bài học nguyên tắc: có lỗi là phải xin lỗi.  Dì Đ nựng Hân, lỡ tay đánh mạnh vào mông Hân, Hân đau quay qua 'nhắc' dì: đau quá, Ịp xin lỗi đi.  Mẹ và Dì cùng hết hồn.  Thứ nhất lần đầu tiên con nói 1 câu khó vậy.  Thứ 2, từ đây về sau phải cẩn thận với H nhé, H biết bắt bẻ rồi đó.

Nuôi trẻ con cực mà vui là nhờ những câu chuyện ngô nghê vậy đó.

Monday, September 7, 2009

Tuổi lên 2 của Hân Hân

Image011Vậy mà đã 2 năm kể từ khi Mẹ chụp tấm ảnh này cho con.  Con trong ảnh được 18 ngày tuổi, vẫn nằm phòng dưỡng nhi với những chẩn đóan chập chờn từ bác sĩ, làm Ba Mẹ rối cả ruột.  Sáng đó, Mẹ đến bệnh viện rất sớm, mang theo cái khăn màu hồng mua cho con từ lúc siêu âm biết con là con gái.  Cho con bú xong, Mẹ quấn HH vào cái khăn hồng này, chụp 1 tấm ảnh, rồi Ba Mẹ cùng con lên ambulance vào NĐ1 chụp X-Quang thực quản cho con.  Lúc chụp tấm ảnh này cho HH, Mẹ đang tràn đầy lo lắng.  Mẹ hồi hộp không biết kết quả sẽ như thế nào.  Con sẽ trở về bệnh viện FV để chuẩn bị làm thủ tục ra viện như Mẹ mong đợi, hay sẽ bị giữ lại điều trị ở NĐ1, và Mẹ tiếp tục mỏi mòn chờ đón con về cúng đầy tháng.  Lúc lên ambulance, Ba ngồi đằng sau với con, Mẹ mới sanh non ngày nên bác sĩ ưu tiên lên ngồi buồng lái với bác tài.  Ngồi 1 mình, Mẹ lấy điện thọai ra xem lại hình vừa chụp con.  Dù rất yếu ớt (Mẹ nhớ lúc đó HH chỉ chừng 2.8kg thôi) nhưng ánh mắt của con rất 'khỏe' và có vẻ gì đó tinh nghịch.  Tự nhiên Mẹ cảm thấy lòng bình an hẳn.  Và kết quả chụp hình hôm đó không có gì bất lợi cho sức khỏe HH, 2 ngày sau con được xuất viện.  Chỉ có Mẹ mới biết tấm ảnh này là bùa hộ mệnh của Mẹ trong suốt quá trình nuôi HH.  Mỗi lần HH bệnh, mỗi lần Mẹ thấy lo lắng về sự phát triển của HH, Mẹ lại lấy tấm ảnh này ra nhìn.  Ánh mắt 'no fear' của con làm Mẹ yên tâm lắm.

 Image017Mẹ không muốn kể về những khó khăn đã trải qua trong 2 năm đầu đời của HH.  Ừ, nuôi HH cực thiệt đó nhưng Mẹ cực thì con cũng có sung sướng gì đâu.  Mỗi lần bệnh, con là người chịu đựng nhiều nhất.  Bao nhiên kháng sinh vào người.  Bao nhiêu lần ra vào viện truyền nước, truyền dịch.  Mẹ nhớ hòai tiếng khóc thét lúc con 8 ngày tuổi khi vain truyền ở tay của con bị hư và bác sĩ phải lần gót chân con tìm vain khác.  Mẹ bị bắt ra đứng chờ ngòai hành lang, mắt không thấy, nhưng tai không thể nào không nghe tiếng khóc ngằn ngặt vì đau của con.  Bệnh họan riết con đâm ra 'ghiền' thuốc và bác sĩ.  Ai đời, Mẹ mới loay hoay rút thuốc từ chai ra, con đã đứng há to miệng chờ sẵn.  Vừa buồn cười vừa xót xa.  2 đứa cùng bệnh, Mẹ dẫn đi bác sĩ, anh Hai khám trước, con đứng giật giật quần bác sĩ hối thúc: Hân nữa, Hân nữa.  Từ bác sĩ Loan đến bác sĩ Amir, những bác sĩ ruột của con ai cũng buồn cười.  Bế con lên khám, con tự động nghiêng trái cho bác sĩ khám tai trái, nghiêng phải cho bác sĩ khám tai phải, và tự há họng nói Ah....rõ to cho bác khám họng.  Có lẽ con là bệnh nhân hợp tác nhất của các bác sĩ.  Mẹ cứ đùa là HH rành qui trình khám còn hơn y tá.  Phòng khám FC là mối quen của con.  Cứ thấy con là các chú y tá P, S hỏi ngay: Gia Hân bệnh gì đây con, vô đây chú cặp nhiệt cho.  Có bữa Mẹ phải hỏang hồn đính chính: cháu đi khám định kỳ chích ngừa chú ơi.  'Giai thọai' vậy đó, thương con vô cùng.

Thi thỏang (chỉ rất thi thỏang thôi), Mẹ có chạnh lòng so sánh con với anh Hai.  Mẹ xin lỗi con nhé, HH của Mẹ.  Mẹ có lúc lăn tăn 'hồi CH bằng tuổi này đã biết...', và ngay sau đó Mẹ tự giận mình.  Con là con, anh Hai là anh Hai.  Con có biết bao điều đặc biệt của con mà ở bằng tuổi con anh Hai có thể không có.  Chẳng hạn như con say mê hát, múa từ bé.  Mẹ yêu nhất cảnh HH nằm ngủ, mắt đã nhắm, miệng vẫn lơ mơ hát 1 bài hát gì đó chả rõ để ru mình.  Thói quen có từ hồi 17-18 tháng gì đó tới giờ.  Dạo này đi ngủ, Mẹ để nhạc cho HH nghe, con ngủ lim dim, nhưng tới bài nào thích là lẩm bẩm hát theo (dù mắt thì mở hết nổi).  Nhìn cái miệng chúm chúm, vo lên vãnh xuống hát lầm rầm, Mẹ chỉ muốn cắn cho mấy phát mới đã nư (Mẹ yêu con bạo lực khiếp hén).

IMG_3784HH đang tuổi tập nói tía lia suốt ngày: Mẹ Ti, Ba Xanh, ông Ngại...  Cô nàng thích gọi tên mọi người để mọi người dạ đáp lời.  Bữa nào gọi mãi chả ai dạ, nàng tự kêu 'Hân' rồi tự 'Dạ' luôn, haha.  2 tuần nay HH bắt đầu nói nhiều hơn hẳn, nói cụm từ và câu 4-5 chữ rồi.  Hôm qua Mẹ hỏi HH: Dì Điệp đâu rồi H? H chúm miệng trả lời: Ịp về pê rồi (Điệp về quê rồi).  Anh Hai lăn ra cười, HH mắc cỡ, nhảy thót vào lòng Mẹ hét ầm lên: Mẹ oi, anh chọc, anh chọc.  HH còn biết đọc thơ nữa: bắp cải xanh, xanh man mát... Rất trùng hợp là anh Hai cũng biết đọc bài này vào sinh nhật 2 tuổi.  HH thuộc hết tất cả các lọai thú từ thú nhà đến thú rừng.  Nhưng chỉ có người trong nhà mới hiểu HH nói gì.  Ví dụ, 'vằn' là ngựa vằn, 'bấu' hoặc 'vấu' là con gấu (mỗi lần đọc đến đây là HH nhìn quanh nếu có anh Hai, HH sẽ đọc thật nhỏ giọng vì Hai chuyên đời trêu chữ 'bấu' của HH), 'kìu' là 'cừu' (nanny là người Bắc mừ), 'câu cổ' là hươu cao cổ (khó hiểu chưa?), 'tsỏ' là thỏ...  Còn cái sự này mới là dở khóc dở cười.  Một bữa tới giờ 2 anh em được phép coi TV.  Anh Hai đòi bằng được 'Mèo Chuột', HH thì cứ gân cổ lên, dậm chân phành phạch: không, 'Cồ Xa', 'Cồ Xa'.  Mẹ ngớ người: 'Cồ Xa' là cái gì, đưa đĩa nào cũng không chịu.  Anh Hai đủng đỉnh giải thích: nó đòi 'twinkle twinkle little star đó Mẹ'.  Mẹ bán tín bán nghi. Anh Hai cười cười cầm cái đĩa 'Baby Einstein' (trong đó nhạc nền là bài twinkle twinkle little star) đưa cho HH, cô nàng hí hửng: Cồ Xa, Cồ xa.  Lúc đó Mẹ mới hiểu à Cồ Xa là ghép từ twinkle twinkle little star.  Cái này đúng nghĩa là 'hiểu chết lìn'. 

IMG_3771Phiên dịch của HH bây giờ hết là Mẹ rồi.  Anh Hai hiểu HH nhất nhà.  Hôm qua cả nhà đi ăn.  HH cứ chỉ tay vào cái gì đó giữa bàn ăn, nói gì không ai hiểu.  Cả nhà lúng túng, con thì bực mình vì chả ai hiểu mình, cứ gào lên.  Anh Hai lẳng lặng cầm miếng tàu hủ ky chiên đưa cho HH kèm thêm 1 câu: bánh nè (Mẹ thề là Mẹ không nghe cái gì liên quan đến chữ bánh hết), HH nín khóc ngay, cười hì hì, lịch sự 'cám ơn anh'.  Cả nhà buồn cười 2 anh em quá trời.  HH giờ là fan hâm mộ của Hai.  Hai làm gì HH làm cái đó.  Hai nói gì, HH cũng vuốt đuôi theo.  Hai đang đi bị té (té thiệt đó), HH đi sau cũng phải giả bộ khụyu chân ngã xuống cho giống.  Anh Hai thì khỏi nói, mê em lắm.  Mê tới mức đem tất cả thú nhồi bông trong nhà ra đặt đủ lọai tên Hân: con ếch màu cam là Hòang Hân, con búp bê hồng là Minh Hân rồi gì gì nữa đó Mẹ nhớ không nỗi.  Anh Hai nhất định bảo là Mẹ đang có bầu (hic, cái pụng 'niềm đau chôn dấu' của tui) và em bé trong đó là Ti Hân (haha).   Hỏi tại sao cứ Hân hòai, anh kêu là Hân dễ thương.   Thưong nhau lắm mà cắn nhau cũng đau.  Ta nói ngày nào cũng có chuyện um sùm bát nhã.  Nạn nhân phần lớn là anh Hai mới chết chứ.  Hai đứa chơi với nhau, gây nhau, cấu chí nhau, em HH đạp anh Hai 1 cái, Mẹ thấy rõ ràng vậy mà ngay lập tức cô nàng nhão nhẹt: Mẹ oi, anh đạp, hức.

IMG_3741Chiều nay Mẹ đến trường đón về, cô nàng chạy ào ra hí hửng chỉ lên đầu.  Mẹ phì cười, chu choa, dây thun đỏ đỏ đầy đầu, sau lưng là 3 cái sừng trâu lưa thưa có mấy sợi tóc.  Mái tóc của HH là 1 trong những 'tất niềm' của Mẹ (chữ này mới chôm từ kịch NNTS của TL).  Mẹ rất lo là sau này sẽ loe hoe ít xỉn như tóc Mẹ cho mà coi.  Ba cấm tiệt không được làm kiểu gì trên đầu HH hết, không kẹp và nhất là không cột vì Ba sợ đứt tóc con gái, mái tóc vốn đã ít ỏi lắm rồi.  Mẹ chụp ngay tấm này kỷ niệm rồi vội vàng tháo tóc ra (mà cũng chả kịp với HH, nàng tự tháo rồi), Ba mà thấy lại nhăn cho coi.  Kể ra, HH thắt bím thế này nhìn xinh lắm chứ, ra dáng con gái hơn nhiều.  Cái đang cầm nhâm nhi trong tay được gọi là 'siêu nhân', vì trên bao có in hình siêu nhân.  Suốt ngày bắt chước anh Hai, nhảy tưng tưng gọi mình là 'siêu nhân vàng' (chính xác đọc là vòang, hihi).  Nhìn cái đầm HH đang mặc lại nhớ chuyện tếu lâm khác của HH.  Cô nàng này cực lạ nhé.  Chỉ thích đồ cũ không thích đồ mới.  Mỗi lần, Mẹ mua quần áo, giày dép mới về là được 1 phen khổ sở với cô nàng.  Không cách chi tròng vào người HH được.  Phải lừa hôm nào hào hứng đi chơi quá, mặc đại thì ok.  Mặc 1 lần thành đồ cũ thì lần sau nàng sẽ mặc tiếp.  Nhưng riêng khỏan giày là căng nhất.  Giày cũ rách bươm, Mẹ bỏ thùng rác, nàng ra lục vào mang tiếp.  Đem bỏ thùng rác hẳn bên ngoài mới thôi, hậm hực mãi mới chịu mang giày mới.  Trong tủ có đôi giày xinh lắm, nguy cơ sắp chật mà nàng chưa chiếu cố cho mang vào chân lần nào.  Mẹ gọi HH là Hân cái bang là vì vậy.  HH khó khăn với cả Mẹ nhé, hôm nào Mẹ mang giày mới (có khi chỉ là mới trong mắt HH thôi) là em lăn ra khóc, Mẹ phải thay đôi giày quen thuộc thì mới thôi.  Hổng hiểu nỗi.  Cái đầm đang mặc là đồ mặc khính nhé, qua HH chà lết nay cũng cũ lắm rồi nhưng sáng nào đi học cũng phải lôi ra bỏ vào giỏ.  Khổ vậy đó.

IMG_3769 IMG_3737

Nói gì thì nói, con người ta cũng biết xí xọn rồi.  Cứ thấy có camera là người ta tự động action liền.  Uống sữa mà còn điệu được nữa kìa.  Mẹ chụp tấm hình uống sữa làm điệu mà anh Hai cứ ngồi kế bên cười há há: coi chị Hân chỉ điệu kìa Mẹ.  Công nhận điệu chảy nước.  Hy vọng vài tuần nữa Mẹ sẽ có cơ hội mang đôi giày giày mới vào chân nàng Út ống tre, đôi giày hiện giờ xuống cấp thê thảm lắm rồi.

Image020Hồi nào nhỏ chút chun, trùm khăn, trùm áo kín mít, nhìn như bà già mà giờ cô nàng đã lớn đại thành... thiếu nữ 2 tuổi rồi (hihi).  Bắt đầu biết bướng, biết cãi, biết phô bày cá tính.  Nhưng cũng bắt đầu biết thể hiện tình cảm, ngọt ngào như hũ mứt dâu Mẹ hay sên cho 2 anh em ăn bánh mì.  Đi đâu mọi người cũng quở là Mẹ nuôi HH dở ẹt, HH nhỏ xíu con hà.  Hồi đầu còn buồn, riết rồi Mẹ quen.  Đâu có ai hiểu được những khổ cực Mẹ con mình cùng nhau chịu đâu HH há.  Thôi thì Mẹ con mình ráng nà.  Mẹ sẽ 'về vườn' ít lâu, dành trọn thời gian chăm sóc con, giám sát thực đơn ăn uống, ngủ nghỉ của con (bây giờ cũng đã làm nhưng con + công việc = mẹ đuối quá, hix).  Hy vọng HH tuổi lên 3 sẽ khỏe hơn bây giờ nhiều nhiều nghen.  HH thưong Mẹ mà, HH không phụ lòng Mẹ đâu con gái ha.

 

 

 

Thursday, September 3, 2009

Vu Lan nhớ Ngọai, nhớ Mẹ, nhớ Dì...

BongHongCaiAo-vd


Vu Lan năm nay bận quá, con không đến chùa dự nghi lễ cài hoa hồng được.  Từ sâu trong thâm tâm, con tự cài cho mình 1 hoa hồng trắng, nhắc mình rằng Mẹ đã đi xa - dù Mẹ luôn luôn trong lòng con hàng ngày, hàng giờ.



Chiều nay, ngồi gửi lời chúc Vu Lan cho người bạn, nhận lại lời bạn cầu nguyện cho linh hồn Mẹ siêu thóat, mắt con cay xè chực khóc nhưng phải cố kiềm lại vì đang ở văn phòng.  Con nhớ Mẹ, nhớ Ngọai, nhớ Dì.

Mẹ, Ngọai và Dì đều là những người Mẹ, với những vai trò khác nhau trong cuộc sống của con.  Con trân quí cả 3.  Mẹ và Ngọai đã đi xa, con còn mỗi Dì là chỗ dựa tinh thần.  Mỗi mùa Vu Lan đến chùa ứa nước mắt nhận cành hoa trắng từ Thầy, con đều tự nhủ rằng mình vẫn còn 1 đóa hồng đỏ cho Dì.

Mẹ là Mẹ của con, là người sanh ra con, nuôi nấng con và dạy con nên người.   Nhưng những năm tháng đầu đời vì hòan cảnh, vì thời cuộc, con sống nhiều với Ngọai và Dì hơn.  Tuổi thơ của con là những ngày êm đềm trong vòng tay Ngọai và Dì.

Cách đây vài hôm, con có việc đi về hướng Gò Vấp, ngang qua ngã Tư Nơ Trang Long - Lê Quang Định, con nhớ Ngọai quá chừng.  Rẽ vào Lê Quang Định, qua Cầu Hang là về nhà Ngọai.  Lúc con còn nhỏ, về với Ngọai là về với những ôm ấp và nuông chiều.  Ngọai chưa bao giờ từ chối con điều gì cả.  Lúc 4-5 tuổi, con ở với Ngọai nhiều hơn với Bố Mẹ.  Con là công chúa, là cục cưng trong ngôi nhà và mảnh vườn rộng thênh thang đó. 

Ngọai là thần tượng của con mãi đến giờ.  Ngọai mất cánh tay phải vì đạn lạc ngay ngày 2/9/1945 khi mới 18 tuổi.  Tiểu thư cành vàng lá ngọc của 1 thương gia người Hoa không đầu hàng số phận.  Với 1 cánh tay trái, Ngọai vẫn giúp cha mình quản lý chuyện làm ăn.  Và hơn tất cả vẫn chu tòan công dung ngôn hạnh.  Tòan bộ quần áo con mặc thuở nhỏ là do 1 tay (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) Ngọai cắt may cho con.  Hồi nhỏ, con thích ngồi nhìn Ngọai cắt quần áo.  Một chân đè vải và tay trái khéo léo cắt theo đường phấn vẽ (cũng vẽ bằng tay trái).  Có 1 thời gian, Bố Mẹ phải vất vả sửa thói quen thuận tay trái của con.  Chẳng ai hiểu vì sao con thuận tay trái tới thế.  Có thể là bẩm sinh, mà cũng có thể do con quá ngưỡng mộ Ngọai nên con thích dùng tay trái hơn tay phải.  Ngọai thêu may, nấu ăn gì cũng khéo, chỉ đầu hàng duy nhất chuyện đan móc.  Ông Ngọai mất lúc dì Út mới 17 ngày tuổi.  Một tay (lại là cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) Ngọai nuôi Mẹ, và các cậu dì khôn lớn dù càng về sau gia cảnh càng sa sút, vất vả.  Cái gì Ngọai cũng tự làm.  Chưa bao giờ Ngọai viện cớ mình tàn tật để bắt người khác phục vụ mình.

Sau năm 75, thời cuộc thay đổi, Ngọai quyết định xuất gia tu tại gia để cầu bình an cho con cháu.  Bố Mẹ bận kế sinh nhai, 2 bà cháu thui thủi với nhau trong ngôi nhà từ đường 'cải gia vi tự' ở Gò Vấp.  Con quen với tiếng khánh cúng thí thực hàng chiều, tiếng mõ, chuông kinh kệ hàng tối của Ngọai.  Tối nào Ngọai trải chiếu tụng kinh là con cũng sọan cho mình cái gối để sẵn.  1/2 thời kinh đầu con ngồi tụng chung với Ngọai (lúc chưa biết đọc thì ê a những gì nghe lóm thành thuộc, sau đó thì riêng mình 1 kệ để kinh), đến lúc buồn ngủ mỏi mòn, con tự gục xuống gối nằm trên vạt áo tràng của Ngọai ngủ ngon lành.  Hồi đó bà con họ hàng nhà mình ai đến chơi thấy cảnh đó cũng bảo là con có phước, chừng đó tuổi mà đêm nào cũng được ru ngủ bằng kinh kệ.  5-6 tuổi Bố Mẹ không đón về Q1 đi học, tiếp tục ở chung với Ngọai chắc bây giờ con cũng thành cô sãi rồi :D (bị cái sãi ham ăn ham ngủ nên hổng chùa nào dám nhận).  Nghi thức cúng kiến con cũng rành 6 câu mà.  Ngọai mà bận là con tự bày đồ ra sân đọc bài chú Vãng Sanh cúng thí thay cho Ngọai.

Những ngày đầu về ở với Bố Mẹ, ngòai lúc đi học ra, con cứ ngồi đong đưa 1 mình trên cái xích đu trước nhà ngóng Ngọai.  Tuần nào Ngọai cũng đi xe búyt ra thăm con vài lần (hồi đó đi xe búyt cực kinh khủng).  Cứ nhác thấy bóng áo nâu của Ngọai ở đầu đường là con hét lên vì mừng.  Nhà mình nằm đọan giữa của con đường, nên tùy hướng ngồi mà thấy cả 2 đầu đường.  Biết con ngóng Ngọai, Ngọai luôn chọn đi từ đầu đường nào mà từ xích đu con dễ nhìn thấy nhất.  Lâu lâu Bố đổi chỗ cái xích đu từ trái qua phải hay phải qua trái gì đó để tiện chỗ để những thứ đồ khác thì Ngọai cũng đổi hướng đi.  Đã bảo Ngọai cưng con nhất trên đời mà.  Lúc đó xe cộ đi lại khó khăn, Ngọai lại chỉ có 1 tay nhưng trong túi xách của Ngọai bao giờ cũng phải có cái gì đó cho con, lúc thì nãi chuối, lúc thì trái đu đủ, nhẹ nhất cũng là bịch chè Ngọai mua vội lúc chờ xe búyt.

Năm con 18 tuổi, Ngọai qua Úc thăm Cậu.  Trước khi đi Ngọai dặn tới dặn lui là Ngọai xin đi 6 tháng nhưng chừng 3 tháng Ngọai về à vì Ngọai nhớ con lắm.  Lúc đó gọi điện từ nước ngòai về khó lắm, phải đi ra chỗ người ta chờ nghe, mà tuần nào Ngọai cũng gọi về cho con.  Rồi 1 buổi tối sau khi Ngọai đi chừng 2 tháng, người ta nhắn ra nghe điện thọai gấp.  Con hí hửng đòi đi, nhưng lúc đó gần 1 kỳ thi quan trọng gì đó mà giờ con cũng không còn nhớ, Bố Mẹ không cho theo, bắt ở nhà học bài.  Chừng 30' sau Bố Mẹ về, bước vào nhà, Mẹ nắm chặt tay con rồi mới dám nói: Ngọai mất rồi.  Bây giờ con chẳng nhớ phản ứng của mình lúc đó ra sao, chỉ nhớ là lúc đó gần 20/11 con nhận viết báo tường cho lớp và sáng hôm sau phải viết lại hết vì bài nào cũng nhòe nhọet nước mắt.  Sau đám tang Cậu gọi về nói là đang thu xếp đồ đạc của Ngọai để gửi về VN cho gia đình làm kỷ niệm, trong hành lý Ngọai mua để mang về VN phần lớn là kẹp tóc và bông tai cho con.  Tới bây giờ trong hộp đồ kỷ niệm của con còn giữ 1 đôi bông tai Ngọai mua cho con lúc đó.

Trên bàn làm việc của con lúc nào cũng có hình của Ngọai cạnh hình Mẹ và con.  Nhiều người thắc mắc.  Con cũng chẳng biết phải giải thích làm sao.  Đơn giản, Ngọai là tuổi thơ dịu ngọt của con.

Tuổi thơ của con ngòai Ngọai còn có Dì.  Dì là em kế Mẹ.  Ngày nhỏ con gọi là Má Tư.  Dì chăm bẳm con từ khi mới lọt lòng.  Ru ngủ cũng Dì, đan áo cho mặc cũng Dì, cắt tóc cũng Dì, tắm rửa cũng Dì.  Dì là người hiểu tính nết con nhất nhà.  Dì đi đâu con bám theo đó, cứ Má Tư Má Tư làm khối người hiểu lầm.  Hổng biết có phải tại con không mà chuyện tình duyên của Dì cứ lận đận.  Rồi năm con học lớp 1, lớp 2 gì đó Dì quyết định theo Ngọai xuất gia.  Dì tu ở 1 cái chùa gần nhà.  Tan học là con lót tót chạy qua.  Thời gian đầu Dì cũng khổ sở vì con.  Con cứ 'Má Tư' miết làm Dì bị Ni Sư trụ trì kêu lên lục vấn vì sợ là Dì có gia đình, con cái rồi.  Khi đã rõ sự tình, Ni Sư gọi con tới dạy con là phải đổi kêu bằng Sư Cô Minh Từ, hoặc gọi gọn là Cô Từ cũng được.  Con giãy nãy, rồi phải nghe theo vì nếu không Ni Sư không cho tới chùa thăm Dì nữa.  Trầy trật mấy tháng con mới thôi ngượng ngập với cái danh xưng mới mẻ Cô Từ.

Dì đi tu chùa nào con theo tới chùa đó.  Chỗ nào đi bộ được thì con tự đi bộ.  Không thì tuần nào Bố Mẹ cũng phải chở con đi thăm.  Lớn lên 1 chút, con đạp xe đi thăm Dì.  Mà con tới chùa rất ngoan, tới đúng khóa lễ thì con cũng lên ngồi công phu.  Không thì con quanh quẩn phụ giúp cái này cái kia, không phải lúc nào cũng đeo bám Dì nên Sư trụ trì chùa nào cũng thương.  Nhờ vậy mà không bị cấm gặp Dì.  Dì giỏi nữ công gia chánh.  Mỗi lần trong trường bắt học thêu, học móc là con lại phải kiếm Dì.  Con đúng là cục nợ...đời lớn của Dì (hihi).  Dì còn chút nào dính líu với thế tục thì phần lớn của cái 'chút' đó chắc là con.  Nhiều lúc con cũng thấy con tội lỗi lắm.  Dì được bổ nhiệm về 1 ngôi chùa nhỏ ở MT.  Không còn được qua lại với Dì hàng tuần, hàng ngày nữa, con chuyển sang ngóng những chuyến về thăm nhà hàng tháng của Dì.   Dì lên thăm nhà là 2 dì cháu cứ quấn lấy nhau, con kể lể chuyện nọ chuyện kia, Dì kiên nhẫn nằm nghe, cười cười.

Mẹ mất, Dì bên cạnh con suốt mấy tuần đầu tiên, đi lại như con thoi giữa chùa và nhà.  Cái Tết đầu tiên không có Mẹ, con ngơ ngác (dù đã 30 tuổi đầu), Dì lại nhắc nhở, chỉ dẫn phong tục, nghi thức cúng kiến.  Con có thai đi sanh, Dì lại tất bật giữa chùa và nhà để chăm sóc con và cháu.  Dì đưa con đến tận cửa phòng mổ, dìu con đi những bước đầu tiên sau mổ, cột tóc, lau mặt (Dì sợ con tủi thân không có Mẹ chăm sóc), bất chấp những ánh mắt hiếu kỳ nhìn Dì trong khăn áo người tu.  Đêm đầu tiên về nhà Cá Heo khóc ngặt nghẽo không chịu ngủ.  Con bất lực nhìn Dì dịu dàng đón cháu từ tay Mẹ, cất tiếng ru.  Mấy chục năm mà Dì vẫn nhớ câu hát ru con ngày xưa.  Mà lạ, thằng nhóc chỉ chịu Bà Dì.  Lịch sử lập lại khi con sanh lần 2.  Bao nhiêu ngày bé Hân nằm phòng săn sóc đặc biệt là bấy nhiêu ngày Dì ở cạnh con nâng đỡ tinh thần, chăm sóc sức khỏe.  Có lẽ vì vậy mà 2 đứa nhỏ, đặc biệt là Cá Heo rất mê Bà Dì.  Lúc này Dì đã lớn tuổi, không hay lên thường xuyên, con cũng bận công việc, ít xuống thăm Dì nhưng mỗi lần gặp là Cá Heo bám riết Bà Dì (cháu gọi là Bà Cô).

Chiều nay, khởi niệm nghĩ về Ngọai, Dì và Mẹ trong ngày Vu Lan, con vội vàng bấm điện thọai gọi cho Dì.  Con sợ qua khỏi cảm xúc này con sẽ ngại ngùng không thể nói với Dì những lời cảm kích mà hình như chưa bao giờ con nói ra.  Nghe tiếng Dì trả lời máy, con nói ngay: Cô ơi, bữa nay Vu Lan, con nhớ Ngọai và Mẹ quá.  Mà xưa giờ con cứ tòan nghĩ tới cái mình mất đi, con tòan thấy con bất hạnh vì không có Mẹ, không có Ngọai mà con quên là con có phước lớn khi con còn Cô, còn Bố con.  Mỗi ngày con về nhà thấy Bố dù lâu lâu cũng có chút hục hặc, lục đục nhưng vậy là còn có phúc hơn nhiều người rồi.  Con còn có Cô để tâm sự, để nương dựa tinh thần, cũng là phúc phận lớn của con.  Đầu đây bên kia Dì lặng đi 1 chút rồi vẫn nhẹ nhàng như mọi khi: Ừ con, ngó lên thì hổng bằng ai, tập ngó xuống thấy mình cũng hơn nhiều người đó con.

Cám ơn Dì cho con 1 chút hơi hướm con còn có Mẹ.  6 năm nay có năm con bỏ thói quen đến chùa dự lễ Vu Lan vì con muốn tránh cảm giác tủi phận, bẽ bàng khi phải cài hoa trắng - 1 dấu hiệu là con không còn Mẹ.  Đến hôm nay con mới ngộ ra rằng con đã quá chấp nê.  Màu hoa gì có gì là quan trọng khi bên con còn ấm áp tình thương của Dì, của Bố, của chồng con con và con còn có những hòai niệm tuyệt đẹp về Ngọai và Mẹ.

Năm sau con sẽ dẫn 2 nhóc đến chùa để tụi nhỏ hiểu ý nghĩa ngày Vu Lan và thêm yêu kính ông bà cha mẹ.  Và con cũng muốn con của con có được niềm hoan hỷ nhận 1 bông hồng đỏ trên ngực 'cho những ai đang còn Mẹ', như con ngày xưa đó.

Chuyện dông dài, chắc chỉ có ý nghĩa với riêng con...

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...