Thursday, September 3, 2009

Vu Lan nhớ Ngọai, nhớ Mẹ, nhớ Dì...

BongHongCaiAo-vd


Vu Lan năm nay bận quá, con không đến chùa dự nghi lễ cài hoa hồng được.  Từ sâu trong thâm tâm, con tự cài cho mình 1 hoa hồng trắng, nhắc mình rằng Mẹ đã đi xa - dù Mẹ luôn luôn trong lòng con hàng ngày, hàng giờ.



Chiều nay, ngồi gửi lời chúc Vu Lan cho người bạn, nhận lại lời bạn cầu nguyện cho linh hồn Mẹ siêu thóat, mắt con cay xè chực khóc nhưng phải cố kiềm lại vì đang ở văn phòng.  Con nhớ Mẹ, nhớ Ngọai, nhớ Dì.

Mẹ, Ngọai và Dì đều là những người Mẹ, với những vai trò khác nhau trong cuộc sống của con.  Con trân quí cả 3.  Mẹ và Ngọai đã đi xa, con còn mỗi Dì là chỗ dựa tinh thần.  Mỗi mùa Vu Lan đến chùa ứa nước mắt nhận cành hoa trắng từ Thầy, con đều tự nhủ rằng mình vẫn còn 1 đóa hồng đỏ cho Dì.

Mẹ là Mẹ của con, là người sanh ra con, nuôi nấng con và dạy con nên người.   Nhưng những năm tháng đầu đời vì hòan cảnh, vì thời cuộc, con sống nhiều với Ngọai và Dì hơn.  Tuổi thơ của con là những ngày êm đềm trong vòng tay Ngọai và Dì.

Cách đây vài hôm, con có việc đi về hướng Gò Vấp, ngang qua ngã Tư Nơ Trang Long - Lê Quang Định, con nhớ Ngọai quá chừng.  Rẽ vào Lê Quang Định, qua Cầu Hang là về nhà Ngọai.  Lúc con còn nhỏ, về với Ngọai là về với những ôm ấp và nuông chiều.  Ngọai chưa bao giờ từ chối con điều gì cả.  Lúc 4-5 tuổi, con ở với Ngọai nhiều hơn với Bố Mẹ.  Con là công chúa, là cục cưng trong ngôi nhà và mảnh vườn rộng thênh thang đó. 

Ngọai là thần tượng của con mãi đến giờ.  Ngọai mất cánh tay phải vì đạn lạc ngay ngày 2/9/1945 khi mới 18 tuổi.  Tiểu thư cành vàng lá ngọc của 1 thương gia người Hoa không đầu hàng số phận.  Với 1 cánh tay trái, Ngọai vẫn giúp cha mình quản lý chuyện làm ăn.  Và hơn tất cả vẫn chu tòan công dung ngôn hạnh.  Tòan bộ quần áo con mặc thuở nhỏ là do 1 tay (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) Ngọai cắt may cho con.  Hồi nhỏ, con thích ngồi nhìn Ngọai cắt quần áo.  Một chân đè vải và tay trái khéo léo cắt theo đường phấn vẽ (cũng vẽ bằng tay trái).  Có 1 thời gian, Bố Mẹ phải vất vả sửa thói quen thuận tay trái của con.  Chẳng ai hiểu vì sao con thuận tay trái tới thế.  Có thể là bẩm sinh, mà cũng có thể do con quá ngưỡng mộ Ngọai nên con thích dùng tay trái hơn tay phải.  Ngọai thêu may, nấu ăn gì cũng khéo, chỉ đầu hàng duy nhất chuyện đan móc.  Ông Ngọai mất lúc dì Út mới 17 ngày tuổi.  Một tay (lại là cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) Ngọai nuôi Mẹ, và các cậu dì khôn lớn dù càng về sau gia cảnh càng sa sút, vất vả.  Cái gì Ngọai cũng tự làm.  Chưa bao giờ Ngọai viện cớ mình tàn tật để bắt người khác phục vụ mình.

Sau năm 75, thời cuộc thay đổi, Ngọai quyết định xuất gia tu tại gia để cầu bình an cho con cháu.  Bố Mẹ bận kế sinh nhai, 2 bà cháu thui thủi với nhau trong ngôi nhà từ đường 'cải gia vi tự' ở Gò Vấp.  Con quen với tiếng khánh cúng thí thực hàng chiều, tiếng mõ, chuông kinh kệ hàng tối của Ngọai.  Tối nào Ngọai trải chiếu tụng kinh là con cũng sọan cho mình cái gối để sẵn.  1/2 thời kinh đầu con ngồi tụng chung với Ngọai (lúc chưa biết đọc thì ê a những gì nghe lóm thành thuộc, sau đó thì riêng mình 1 kệ để kinh), đến lúc buồn ngủ mỏi mòn, con tự gục xuống gối nằm trên vạt áo tràng của Ngọai ngủ ngon lành.  Hồi đó bà con họ hàng nhà mình ai đến chơi thấy cảnh đó cũng bảo là con có phước, chừng đó tuổi mà đêm nào cũng được ru ngủ bằng kinh kệ.  5-6 tuổi Bố Mẹ không đón về Q1 đi học, tiếp tục ở chung với Ngọai chắc bây giờ con cũng thành cô sãi rồi :D (bị cái sãi ham ăn ham ngủ nên hổng chùa nào dám nhận).  Nghi thức cúng kiến con cũng rành 6 câu mà.  Ngọai mà bận là con tự bày đồ ra sân đọc bài chú Vãng Sanh cúng thí thay cho Ngọai.

Những ngày đầu về ở với Bố Mẹ, ngòai lúc đi học ra, con cứ ngồi đong đưa 1 mình trên cái xích đu trước nhà ngóng Ngọai.  Tuần nào Ngọai cũng đi xe búyt ra thăm con vài lần (hồi đó đi xe búyt cực kinh khủng).  Cứ nhác thấy bóng áo nâu của Ngọai ở đầu đường là con hét lên vì mừng.  Nhà mình nằm đọan giữa của con đường, nên tùy hướng ngồi mà thấy cả 2 đầu đường.  Biết con ngóng Ngọai, Ngọai luôn chọn đi từ đầu đường nào mà từ xích đu con dễ nhìn thấy nhất.  Lâu lâu Bố đổi chỗ cái xích đu từ trái qua phải hay phải qua trái gì đó để tiện chỗ để những thứ đồ khác thì Ngọai cũng đổi hướng đi.  Đã bảo Ngọai cưng con nhất trên đời mà.  Lúc đó xe cộ đi lại khó khăn, Ngọai lại chỉ có 1 tay nhưng trong túi xách của Ngọai bao giờ cũng phải có cái gì đó cho con, lúc thì nãi chuối, lúc thì trái đu đủ, nhẹ nhất cũng là bịch chè Ngọai mua vội lúc chờ xe búyt.

Năm con 18 tuổi, Ngọai qua Úc thăm Cậu.  Trước khi đi Ngọai dặn tới dặn lui là Ngọai xin đi 6 tháng nhưng chừng 3 tháng Ngọai về à vì Ngọai nhớ con lắm.  Lúc đó gọi điện từ nước ngòai về khó lắm, phải đi ra chỗ người ta chờ nghe, mà tuần nào Ngọai cũng gọi về cho con.  Rồi 1 buổi tối sau khi Ngọai đi chừng 2 tháng, người ta nhắn ra nghe điện thọai gấp.  Con hí hửng đòi đi, nhưng lúc đó gần 1 kỳ thi quan trọng gì đó mà giờ con cũng không còn nhớ, Bố Mẹ không cho theo, bắt ở nhà học bài.  Chừng 30' sau Bố Mẹ về, bước vào nhà, Mẹ nắm chặt tay con rồi mới dám nói: Ngọai mất rồi.  Bây giờ con chẳng nhớ phản ứng của mình lúc đó ra sao, chỉ nhớ là lúc đó gần 20/11 con nhận viết báo tường cho lớp và sáng hôm sau phải viết lại hết vì bài nào cũng nhòe nhọet nước mắt.  Sau đám tang Cậu gọi về nói là đang thu xếp đồ đạc của Ngọai để gửi về VN cho gia đình làm kỷ niệm, trong hành lý Ngọai mua để mang về VN phần lớn là kẹp tóc và bông tai cho con.  Tới bây giờ trong hộp đồ kỷ niệm của con còn giữ 1 đôi bông tai Ngọai mua cho con lúc đó.

Trên bàn làm việc của con lúc nào cũng có hình của Ngọai cạnh hình Mẹ và con.  Nhiều người thắc mắc.  Con cũng chẳng biết phải giải thích làm sao.  Đơn giản, Ngọai là tuổi thơ dịu ngọt của con.

Tuổi thơ của con ngòai Ngọai còn có Dì.  Dì là em kế Mẹ.  Ngày nhỏ con gọi là Má Tư.  Dì chăm bẳm con từ khi mới lọt lòng.  Ru ngủ cũng Dì, đan áo cho mặc cũng Dì, cắt tóc cũng Dì, tắm rửa cũng Dì.  Dì là người hiểu tính nết con nhất nhà.  Dì đi đâu con bám theo đó, cứ Má Tư Má Tư làm khối người hiểu lầm.  Hổng biết có phải tại con không mà chuyện tình duyên của Dì cứ lận đận.  Rồi năm con học lớp 1, lớp 2 gì đó Dì quyết định theo Ngọai xuất gia.  Dì tu ở 1 cái chùa gần nhà.  Tan học là con lót tót chạy qua.  Thời gian đầu Dì cũng khổ sở vì con.  Con cứ 'Má Tư' miết làm Dì bị Ni Sư trụ trì kêu lên lục vấn vì sợ là Dì có gia đình, con cái rồi.  Khi đã rõ sự tình, Ni Sư gọi con tới dạy con là phải đổi kêu bằng Sư Cô Minh Từ, hoặc gọi gọn là Cô Từ cũng được.  Con giãy nãy, rồi phải nghe theo vì nếu không Ni Sư không cho tới chùa thăm Dì nữa.  Trầy trật mấy tháng con mới thôi ngượng ngập với cái danh xưng mới mẻ Cô Từ.

Dì đi tu chùa nào con theo tới chùa đó.  Chỗ nào đi bộ được thì con tự đi bộ.  Không thì tuần nào Bố Mẹ cũng phải chở con đi thăm.  Lớn lên 1 chút, con đạp xe đi thăm Dì.  Mà con tới chùa rất ngoan, tới đúng khóa lễ thì con cũng lên ngồi công phu.  Không thì con quanh quẩn phụ giúp cái này cái kia, không phải lúc nào cũng đeo bám Dì nên Sư trụ trì chùa nào cũng thương.  Nhờ vậy mà không bị cấm gặp Dì.  Dì giỏi nữ công gia chánh.  Mỗi lần trong trường bắt học thêu, học móc là con lại phải kiếm Dì.  Con đúng là cục nợ...đời lớn của Dì (hihi).  Dì còn chút nào dính líu với thế tục thì phần lớn của cái 'chút' đó chắc là con.  Nhiều lúc con cũng thấy con tội lỗi lắm.  Dì được bổ nhiệm về 1 ngôi chùa nhỏ ở MT.  Không còn được qua lại với Dì hàng tuần, hàng ngày nữa, con chuyển sang ngóng những chuyến về thăm nhà hàng tháng của Dì.   Dì lên thăm nhà là 2 dì cháu cứ quấn lấy nhau, con kể lể chuyện nọ chuyện kia, Dì kiên nhẫn nằm nghe, cười cười.

Mẹ mất, Dì bên cạnh con suốt mấy tuần đầu tiên, đi lại như con thoi giữa chùa và nhà.  Cái Tết đầu tiên không có Mẹ, con ngơ ngác (dù đã 30 tuổi đầu), Dì lại nhắc nhở, chỉ dẫn phong tục, nghi thức cúng kiến.  Con có thai đi sanh, Dì lại tất bật giữa chùa và nhà để chăm sóc con và cháu.  Dì đưa con đến tận cửa phòng mổ, dìu con đi những bước đầu tiên sau mổ, cột tóc, lau mặt (Dì sợ con tủi thân không có Mẹ chăm sóc), bất chấp những ánh mắt hiếu kỳ nhìn Dì trong khăn áo người tu.  Đêm đầu tiên về nhà Cá Heo khóc ngặt nghẽo không chịu ngủ.  Con bất lực nhìn Dì dịu dàng đón cháu từ tay Mẹ, cất tiếng ru.  Mấy chục năm mà Dì vẫn nhớ câu hát ru con ngày xưa.  Mà lạ, thằng nhóc chỉ chịu Bà Dì.  Lịch sử lập lại khi con sanh lần 2.  Bao nhiêu ngày bé Hân nằm phòng săn sóc đặc biệt là bấy nhiêu ngày Dì ở cạnh con nâng đỡ tinh thần, chăm sóc sức khỏe.  Có lẽ vì vậy mà 2 đứa nhỏ, đặc biệt là Cá Heo rất mê Bà Dì.  Lúc này Dì đã lớn tuổi, không hay lên thường xuyên, con cũng bận công việc, ít xuống thăm Dì nhưng mỗi lần gặp là Cá Heo bám riết Bà Dì (cháu gọi là Bà Cô).

Chiều nay, khởi niệm nghĩ về Ngọai, Dì và Mẹ trong ngày Vu Lan, con vội vàng bấm điện thọai gọi cho Dì.  Con sợ qua khỏi cảm xúc này con sẽ ngại ngùng không thể nói với Dì những lời cảm kích mà hình như chưa bao giờ con nói ra.  Nghe tiếng Dì trả lời máy, con nói ngay: Cô ơi, bữa nay Vu Lan, con nhớ Ngọai và Mẹ quá.  Mà xưa giờ con cứ tòan nghĩ tới cái mình mất đi, con tòan thấy con bất hạnh vì không có Mẹ, không có Ngọai mà con quên là con có phước lớn khi con còn Cô, còn Bố con.  Mỗi ngày con về nhà thấy Bố dù lâu lâu cũng có chút hục hặc, lục đục nhưng vậy là còn có phúc hơn nhiều người rồi.  Con còn có Cô để tâm sự, để nương dựa tinh thần, cũng là phúc phận lớn của con.  Đầu đây bên kia Dì lặng đi 1 chút rồi vẫn nhẹ nhàng như mọi khi: Ừ con, ngó lên thì hổng bằng ai, tập ngó xuống thấy mình cũng hơn nhiều người đó con.

Cám ơn Dì cho con 1 chút hơi hướm con còn có Mẹ.  6 năm nay có năm con bỏ thói quen đến chùa dự lễ Vu Lan vì con muốn tránh cảm giác tủi phận, bẽ bàng khi phải cài hoa trắng - 1 dấu hiệu là con không còn Mẹ.  Đến hôm nay con mới ngộ ra rằng con đã quá chấp nê.  Màu hoa gì có gì là quan trọng khi bên con còn ấm áp tình thương của Dì, của Bố, của chồng con con và con còn có những hòai niệm tuyệt đẹp về Ngọai và Mẹ.

Năm sau con sẽ dẫn 2 nhóc đến chùa để tụi nhỏ hiểu ý nghĩa ngày Vu Lan và thêm yêu kính ông bà cha mẹ.  Và con cũng muốn con của con có được niềm hoan hỷ nhận 1 bông hồng đỏ trên ngực 'cho những ai đang còn Mẹ', như con ngày xưa đó.

Chuyện dông dài, chắc chỉ có ý nghĩa với riêng con...

9 comments:

  1. Nhỏ ơi, xúc động quá! Vu Lan an lành đến với mọi người.

    ReplyDelete
  2. Sa'ng thuc day met moi vi ca? dem khong duoc ngu?, Ti' mo.c rang, ha`nh sot, bat am di long vo`ng... me. met qua', nhu*ng ra day do.c ba`i nay cua me. Thuy tu*. nhien nuoc mat cu*' rot xuong, cho^`ng ra hoi? khong biet tra loi la`m sao. Bai viet qua' ca?m dong, qua' ngo.t nga`o, cam on nhe'.

    ReplyDelete
  3. Chuyen dong da`i, ko phai chi co y nghia voi rieng chi dau chi ah!... Cuoc song luon dien ra theo cai cach ma` no' se dien ra, mien la trong lo`ng minh, nhung gi tot dep cua nhung nguoi thuong yeu luon con mai...

    ReplyDelete
  4. Bai ban viet that cam dong qua! Cam on ban. Minh that hanh phuc vi minh van con duoc cai bong hong do.

    ReplyDelete
  5. Cám ơn mọi người đã đồng cảm với những hòai niệm riêng của mình. Chúc mọi người luôn bình an và hạnh phúc bên gia đình mình.

    ReplyDelete
  6. biet lam nguoi nhay cam thi se kho... nhung neu ko nhay cam thi se ko biet "cam" duoc nhung gi xung quanh minh ma doi khi neu khong de y thi ko thay het duoc y nghia cua no. con nguoi nhieu khi cu take things for granted ma co nhung dieu that cam dong ma ko nhan ra... cam on Thuy thuong xuyen co nhung cau chuyen, nhung chia se lam cho em phai suy nghi ve nhung gi minh dang co.

    ReplyDelete
  7. Rat cam thong voi nhung ai khong con Me....

    Minh van con cai diem phuc la van con cai duoc 1 bong hong do tren nguc ao vao moi dip Vu lan hang nam mac du da gan 20 nam song xa cach Me...tuy vay nhung hinh anh & tinh cam am ap cua nguoi Me xa xoi do van con in sau trong tri nho cua minh.

    Hang dem van cau nguyen Phat troi cho Me noi xa ay duoc binh an...

    ReplyDelete
  8. Hic,hồi nãy gõ quá trời tự nhiên nó baó hổng dc.Đọc bài này thấy nhớ mẹ ghê ha,còn ngoại thì tao nhớ lúc 2 đưá đạp xe lóc cóc đem bánh gan lên cho ngoại ăn.Đúng là trông xuống mình vẫn còn hạnh phúc và may mắn hơn nhiều nguời,đúng ko Kati?

    ReplyDelete

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...