Thursday, November 20, 2008

Tôn Sư Trọng Đạo

Hôm qua là 20/11.

Chiều M đến trường đón CH và mang theo quà để CH tặng các Cô. Hai mẹ con đã thực tập ở nhà những câu chúc CH dành cho Cô. Cuối cùng thì con trai chỉ lí nhí được mỗi 1 câu: con chúc mừng cô ngày... (quên mất ngày gì, đứng cười trừ).

M đưa CH về lớp cũ tặng quà cho Cô Đ và Cô N. M rất biết ơn 2 cô giáo này vì cô rất cực với CH khi CH mới chập chững đi học. 2 cô là người chỉ dạy cho con những kỹ năng mà ở nhà M dạy hòai không đuợc: tự cầm bình bú, tự đi toilet.... M quí 2 cô lắm. Khi CH lí nhí câu chúc 3 chấm lửng kia, 2 cô sững sờ nói 1 câu làm M cũng sững sờ theo: Chị ơi, tụi em ngại quá, tụi em không dám nhận, tụi em đâu còn dạy lớp bé Trí đâu chị. Cô N còn nghĩ xa hơn nữa: Bé Hân chưa vào học với tụi em mà chị.

M buồn. M thương mấy cô của CH và tất cả các thầy cô giáo khác. Và M giận, mà không rõ là giận cái gì. M giải thích với cô (giọng hơi nghẹn): 2 cô đã giúp cho CH tự lập đuợc như ngày hôm nay, Mẹ và CH nhớ ơn 2 cô lắm. Thế là cả phụ huynh lẫn cô giáo đều đứng rưng rưng. M đang nghĩ về bà Ngọai của CH lúc đó. Bà Ngọai cũng là 1 cô giáo mà.

20/11, trong mắt cả phụ huynh và các thầy cô, thì ra chỉ là ngày để phụ huynh làm đẹp lòng (là M tránh dùng chữ lấy lòng đấy chứ) thầy cô giáo đang dạy con mình. Chữ nhớ ơn dường như không còn tồn tại nữa. Mọi thứ thực tế và rạch ròi tới đau lòng. Các thầy cô cũ không (dám) chờ đợi học trò cũ và phụ huynh của các em nhớ tới mình.

M chợt nhớ tờ 10,000 nhàu nát 1 cậu bé học sinh cũ của bà Ngọai CH đã đặt lên dĩa phúng điếu vào ngày đám tang bà, sau khi vừa khóc vừa sụp lạy. Cậu bé (khi đó khỏang 15 tuổi) vừa lấy tay quẹt nước mắt vừa nói: chị T, em không có tiền, em không bao giờ quên cô dạy em miễn phí vì nhà em nghèo, em cúng cô 10,000, chị mua nhang dùm em, em nghỉ học rồi, em đi học sửa xe, nhưng cô vẫn dạy miễn phí cho em em đó (sau đó hỏi lại bà 6, M mới biết là 3 anh em cậu bé đó đã học miễn phí với Ngọai trong gần 3 năm, tới tận ngày Ngọai nằm xuống). Mãi sau này, M nghe người bán báo trước nhà kể lại, dù ông Ngọai và M đã dọn đi, cậu bé (M còn nhớ rõ là tên Tuấn) vẫn thỉnh thỏang ghé hy vọng nhà có mở cửa để vào thắp nhang cho bà Ngọai.

Giá mà có nhiều hơn những cậu học trò (và phụ huynh) như thế để ngày 20/11 thật sự là một ngày 'tri ân', chứ không phải là ngày cha mẹ tất bật 'đi trả nợ thầy cô' (cụm từ này nghe xót xa quá, nhất là khi M cũng từng có 1 người Mẹ là nhà giáo).

No comments:

Post a Comment

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...